“Chợ mây” trên núi Cấm

12/02/2021 - 00:57

 - Núi Cấm (Tịnh Biên) được nhiều người ví như một Đà Lạt thu nhỏ của người miền Tây. Ngoài những ngôi chùa, những điểm tham quan, những thắng cảnh dọc từ chân núi đến đỉnh, núi Cấm còn có môi trường thiên nhiên hấp dẫn, hoa lá 4 mùa tạo nên một bức tranh tươi đẹp, non nước hữu tình. Đặc biệt, trên núi Cấm, từ nhiều năm qua tồn tại một ngôi chợ “độc nhất vô nhị” ở miền Tây, đó là “chợ mây”…

Với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng đã giúp Thiên Cấm Sơn trở thành một địa điểm du lịch sinh thái lẫn du lịch tâm linh lý tưởng, thu hút rất đông du khách gần xa đến thưởng ngoạn, chiêm bái. Lên núi Cấm, du khách không chỉ dạo quanh hồ Thủy Liêm, chiêm bái chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn và các điểm tham quan nằm rải rác từ chân đến đỉnh núi Cấm, như: suối Thanh Long, vồ Thiên Tuế, vồ Đầu, vồ Ong Bướm, điện Bồ Hong… du khách còn không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp một khu chợ rất độc đáo mà nhiều người vẫn truyền tai nhau là “chợ mây”.

Chợ nằm bên cạnh hồ Thủy Liêm, đối diện với chùa Phật Lớn, một bên là chùa Vạn Linh, một bên là tượng Phật Di Lặc, xa xa là núi rừng trùng điệp, cùng với khí hậu mát mẻ, trong lành. Khi những đám mây còn bay là đà xung quanh hồ Thủy Liêm thì đã có những gánh hàng thoắt ẩn, thoát hiện, người mua, kẻ bán qua những lớp sương mờ, tạo nên khung cảnh huyền bí khó tả và cái tên “chợ mây” cũng có nguồn gốc từ đó.

Hồ Thủy Liêm trên đỉnh núi Cấm

Bắt đầu từ tờ mờ sáng, các bạn hàng phải gánh bộ hàng hóa lên núi, ít nhất cũng nửa con dốc để bán tại nhiều điểm khác nhau trước khi bán ở chợ chính là “chợ mây”. Để có thể họp chợ đúng giờ, chủ nhân của những gánh hàng này lặn lội từ chân núi đi lên vào khoảng 3-4 giờ sáng. Những hộ dân sống ở lưng chừng núi nếu không muốn phải xuống tận chân núi để đi chợ có thể đón những gánh hàng này để mua.

Ông Nguyễn Văn Hữu (ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo) cho biết, “chợ mây” là chợ tự phát có từ rất lâu. Lúc đầu, chỉ có khoảng 10 người mua bán nông, lâm sản trồng trên núi, lần hồi nhu cầu của người dân tăng lên nên chợ cũng phát triển, với nhiều mặt hàng hơn. “Trước đây, ít người để ý nhưng sau khi tượng Phật Di Lặc khánh thành, du khách đến tham quan, chiêm bái ngày càng đông nên ngôi chợ này được nhiều người biết đến. Bởi ai cũng muốn thưởng thức các món bánh dân gian, đặc sản dân dã tại ngôi chợ độc đáo này” - ông Hữu chia sẻ.

Chợ nhóm họp khá nhanh, chỉ hơn 2 giờ đồng hồ. Sau đó, bạn hàng tiếp tục gánh hàng đi bán khắp nơi cho đến lúc xế bóng mới về nhà

Có thể coi đây là một khu chợ  “độc nhất vô nhị” vì chợ nhóm trên một ngọn núi được mệnh danh là “nóc nhà” miền Tây. Chợ nhóm khá sớm nhưng tan cũng nhanh, chỉ chừng hơn 2 giờ đồng hồ. Sau đó, các bạn hàng chia nhau mỗi người một ngả, tiếp tục gánh hàng đi bán khắp nơi để bán cho các quán ăn, các hộ dân sống trên núi cho đến lúc hết hàng mới về nhà. “Nếu ai muốn tham quan “chợ mây” thì phải ở lại trên núi Cấm một đêm vì chợ nhóm sớm lắm, khoảng 4 giờ sáng là bắt đầu rồi, và đi giờ đó nhớ mặc áo ấm, áo khoác, sương mù dày đặc nên lạnh lắm” - ông Nguyễn Văn Hùng (66 tuổi, chủ nhà trọ nơi chúng tôi ngủ qua đêm trên núi) dặn dò. Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (Bình Dương) chia sẻ: “Đã nghe nói nhưng hôm nay mới được “mục sở thị” và trải nghiệm đi “chợ mây” trên núi Cấm rất thú vị và độc đáo. Người bán chẳng những không nói thách mà còn rất thân thiện, chỉ dẫn nhiệt tình cách chế biến các món ăn, nhất là các loại đặc sản, như: cua núi, ốc núi hay các loài rau rừng sao cho ngon nhất”.

Gần 5 giờ sáng, trời còn mù sương, nhiệt độ trên núi Cấm chỉ hơn 20 độ C, thì nhiều bạn hàng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sống dưới chân núi Cấm đã người chở, người gánh hàng lên núi mưu sinh. Hàng ngày, vợ chồng anh Chau Sóc Thi (ngụ ấp An Hòa, xã An Hảo) phải thức dậy từ 4 giờ sáng chở thịt heo lên núi Cấm để bán. “Vất vả một chút nhưng bán được giá hơn dưới chân núi, với lại mình có khách quen nên thu nhập cũng ổn định” - anh Chau Sóc Thi chia sẻ.

Chỉ là một “chợ chồm hổm” khá đơn sơ nhưng số người mua bán rất tấp nập vì đây là nơi được xem như điểm đầu mối, trung chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu của người dân sinh sống rải rác trên núi Cấm và phục vụ khách hành hương, du lịch mỗi ngày. Chợ tuyệt nhiên không có sạp hay quầy cố định, người bán tự gánh hàng đến bày ra trên một thảm cỏ hoặc lề đường, với nhiều mặt hàng phong phú, từ hoa, quả, rau, củ, cá, thịt, mắm, muối… đến những gánh hàng phục vụ ăn sáng và các mặt hàng chuyên phục vụ khách đi chùa, như: nhang, đèn, cá phóng sinh, chim phóng sinh. Đặc biệt, khi đến đây, du khách sẽ bắt gặp những đặc sản của núi Cấm, như: sầu riêng, bơ, su non, măng tre, đọt bứa, bằng lăng rừng, đọt chiếc, ngành ngạnh, lá cách, lá phổi bà, đinh lăng, đinh hương, cát lồi…

Một điều đặc biệt nữa ở  “chợ mây” núi Cấm là quan hệ giữa người bán với người mua, giữa những người bán hàng với nhau rất gần gũi, thân tình, người đến trước để dành chỗ trống cho người đến sau, chợ không có ban quản lý nhưng vẫn trật tự an ninh. Mọi người sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mua bán và sẵn lòng hướng dẫn du khách mua những món hàng cần tìm. Chị Néang Oanh (ngụ xã Văn Giáo, có hơn 10 năm gắn liền với “chợ mây”) cho biết: “Ở đây chủ yếu là bán cho người dân trên núi và khách du lịch, người hành hương. Hầu hết các mặt hàng đều được bán với giá cả phải chăng, nhất là các loại rau, củ đặc sản miền núi, nên được nhiều du khách lựa chọn. Tuy công việc có phần vất vả nhưng có thu nhập  để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình và nuôi con ăn học”…

Cũng tại ngôi chợ này, du khách có thể nhờ các bạn hàng giới thiệu những “thổ địa” đưa bạn đi bắt ốc núi, săn cua núi -  một loại đặc sản vùng Bảy Núi và chỉ có nhiều nhất trên núi Cấm. Hay tìm một quán ăn nào đó lý tưởng để thưởng thức bánh xèo rau rừng - món ăn đặc sản trứ danh vùng Bảy Núi.

 

Bài, ảnh: KHÁNH MY