Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Bổ sung y học cổ truyền vào luật
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được khẳng định có tính chất “xương sống” của ngành y tế, định hướng việc quản lý và sự phát triển bền vững công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Do đó, dự thảo luật cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo chất lượng, tính phù hợp thực tiễn và tính khả thi, tránh gây dư luận không tốt trong xã hội.
Ngay sau khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, hội nghị ĐBQH chuyên trách, phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2022 cũng bàn thảo sôi nổi về dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra khẩn trương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, đảm bảo chất lượng tốt nhất trình các ĐBQH xem xét, cho ý kiến.
Trước đó, các ĐBQH cho rằng, quy định về khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện nay chưa khuyến khích, vận động người dân tham gia, chưa thể hiện được việc phát triển y học cổ truyền của Việt Nam trên thế giới. Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần 4 (được công bố ngày 26/9/2022) đã bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện 1 chương (chương VI) về khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Cụ thể, chương VI gồm 3 điều: Điều 82 (kế thừa và phát triển bài thuốc, phương pháp khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền), Điều 83 (phát triển nguồn lực phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền), Điều 84 (kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh). Chính phủ được giao nhiệm vụ quy định chi tiết các điều khoản này. Ngoài ra, để phát triển toàn diện y học cổ truyền, Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.
Vẫn còn “chắp vá”
Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh An Giang Phan Huỳnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh) cho biết: “Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, tôi đề nghị quan tâm đến lĩnh vực y học cổ truyền, bởi y học cổ truyền đã chứng minh hiệu quả trong chăm sóc và điều trị bệnh cho người dân từ lâu đời. Dự thảo luật lần thứ 4 đã ghi nhận, bổ sung nội dung này. Tuy nhiên, tôi cho rằng y học cổ truyền chỉ nằm trong 3 điều tại Chương VI là chưa tương xứng với tầm quan trọng vốn có. Chưa kể, các điều khoản cũng được quy định mang tính chất “chắp vá”, cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.
Cụ thể, Khoản 9, Điều 2 quy định: “Bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền là bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm do dòng tộc, gia đình truyền lại, điều trị có hiệu quả đối với một hoặc một số bệnh nhất định được cơ quan chuyên môn về y tế cấp tỉnh công nhận”. Tôi đề nghị bổ sung “phương pháp chữa bệnh dân gian” bên cạnh phương pháp chữa bệnh gia truyền. Thực tế, rất nhiều phương pháp chữa bệnh dân gian hiệu quả, được truyền từ đời này sang đời khác, không thuộc sở hữu của cá nhân ai, không thể đăng ký sở hữu trí tuệ”.
Ths.BS Trần Quang Thảo (Chủ tịch Hội Đông y tỉnh) trăn trở rất nhiều về chính sách, quy định chưa thỏa đáng đối với đội ngũ lương y, thầy thuốc trong hội. Hiện nay, hội đông y trong tỉnh được tổ chức ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), hơn 1.500 hội viên, với khoảng 600 phòng chẩn trị. Mạng lưới hội bao phủ 100% phường, xã, thị trấn; khoảng 30% khóm, ấp thành lập phòng chẩn trị gắn liền chi hội đông y ấp. Tuy nhiên, đa số thầy thuốc tham gia phòng chẩn trị địa phương chưa được hưởng chính sách dành cho hoạt động đặc thù này, rất cần được quan tâm nhiều hơn.
Quy định về xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh cũng là nội dung đang được quan tâm rất lớn hiện nay. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định khái quát về xã hội hóa; giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như thể hiện tại 2 phương án của Điều 106 của dự thảo luật.
“Đối với hệ thống hội đông y, các quy định này chưa thật sự phù hợp, vì chúng tôi có cơ sở do nhà nước thành lập, có cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo, chứ không hẳn là y tế tư nhân. Muốn mở rộng, đầu tư phát triển thì không có cơ chế. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm quy định dành cho cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo, công lập của tổ chức xã hội - nghề nghiệp” - Ths.BS Trần Quang Thảo bày tỏ.
Việc phát triển nguồn nhân lực cho y học cổ truyền cũng là vướng mắc lớn. Hiện nay, việc đào tạo y sĩ y học cổ truyền công lập trong tỉnh đã ngừng, y sĩ phải tự tìm lớp đào tạo tư nhân. Khoản 2, Điều 118 dự thảo luật quy định:“Không cấp giấy phép hành nghề đối với người được cấp văn bằng đào tạo y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026” (trong khi không đề cập việc đào tạo lực lượng này như thế nào), dự đoán sẽ làm hụt đi đội ngũ thầy thuốc ở các phòng chẩn trị, về lâu dài tạo thành khoảng trống khó bù đắp. |
VẠN LỘC