100 năm ngày sinh Chế Lan Viên - nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam

20/10/2020 - 08:25

Trong tổng kết và lời bình của cuốn “Thi nhân Việt Nam," nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá nhà thơ Chế Lan Viên là một cá tính thơ đặc sắc trong giai đoạn cuối phong trào Thơ mới.


Nhà thơ Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại thế kỷ 20. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu Việt Nam thế kỷ XX, là “kiện tướng” của phong trào Thơ mới và là một trường hợp độc đáo của thi ca Việt.

Một nhà thơ lớn

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20-10-1920, quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Lớn lên, ông đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung thì nghỉ học, đi dạy tư kiếm sống.

Chế Lan Viên bắt đầu làm thơ từ năm 12-13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề “Điêu tàn” - tập thơ có lời tựa được coi như “Tuyên ngôn nghệ thuật” của "Trường thơ Loạn."

Cùng với sự ra đời của tập thơ “Điêu tàn," cái tên Chế Lan Viên bắt đầu nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Nhiều ý kiến cho cho rằng tập thơ “Điêu tàn” của Chế Lan Viên với những vần thơ sầu não, có phần kinh dị và huyền bí với những cảnh đổ nát, hoang tàn của các phế tích, nhưng lại chứa chan nỗi niềm hoài cổ của ông về một vương quốc Champa sụp đổ… để thông qua đó, người đọc cảm nhận được tình yêu nước một cách kín đáo của nhà thơ trước cảnh nước nhà còn đang chịu cảnh nô lệ đau thương.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng đánh giá tập thơ “Điêu tàn” ra đời “như một niềm kinh dị” trong thi đàn đương đại.

Cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" - nhóm bốn người bạn ở thành Đồ Bàn (Bình Định).

Năm 1939, Chế Lan Viên ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh.

Thời kỳ này, Chế Lan Viên viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần từ kỳ dị, siêu thực về trường phái hiện thực.

Năm 1949, Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học.

Ông từng là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII; Ủy viên Ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội.

Trong suốt những năm công tác, Chế Lan Viên nhiều lần là sứ giả của văn hóa Việt Nam tham dự các diễn đàn văn hóa quốc tế ở nhiều nước trên thế giới.

Chế Lan Viên là tác giả của hơn 30 tác phẩm gồm thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình văn học. Tiêu biểu như các tập thơ: “Điêu tàn” (1937), “Gửi các anh” (1954), “Ánh sáng và phù sa” (1960), “Hoa ngày thường-Chim báo bão” (1967), “Những bài thơ đánh giặc” (1972), “Đối thoại mới” (1973), “Hoa trước lăng Người” (1976), 3 tập “Di cảo thơ” (1992, 1993, 1995)...

Ngoài các tác tập thơ, Chế Lan Viên còn sáng tác nhiều tác phẩm văn xuôi: "Vàng sao" (1942), “Những ngày nổi giận” (1966), “Giờ của đô thành” (1977), "Nàng tiên trên mặt đất" (1985)...

Ông còn là tác giả của nhiều tập tiểu luận phê bình văn học: “Nói chuyện thơ văn” (1960), “Vào nghề” (1962), “Suy nghĩ và bình luận” (1971), “Bay theo đường bay dân tộc đang bay" (1976), "Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân" (1981)... Ngoài bút danh Chế Lan Viên, ông còn lấy nhiều bút danh khác như Thạch Hãn, Chàng Văn...

Sau năm 1975, Chế Lan Viên vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19-6-1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi.

Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I) với cụm tác phẩm: “Ánh sáng và phù sa," “Hoa ngày thường-Chim báo bão," "Những bài thơ đánh giặc," "Đối thoại mới," "Hoa trước lăng Người."

Mở ra thời hiện đại cho thi ca Việt

Nói đến nhà thơ Chế Lan Viên, giáo sư Phong Lê - một trong những nhà nghiên văn học hiện đại hàng đầu của Việt Nam - đánh giá Chế Lan Viên là “kiện tướng” của Phong trào Thơ mới, là một nhà thơ tiêu biểu hàng đầu phong trào Thơ mới trước 1945 và nền thơ hiện đại Việt sau 1945, một trong những người góp phần mở ra thời hiện đại cho thi ca Việt.

Theo giáo sư Phong Lê, trong tổng kết và lời bình của cuốn “Thi nhân Việt Nam," nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá nhà thơ Chế Lan Viên là một cá tính thơ đặc sắc trong giai đoạn cuối phong trào Thơ mới, đó là sự "kỳ dị" - kỳ dị như Chế Lan Viên. Sự kỳ dị như là một cách thoát ly thực tại; cùng với những cách thoát ly khác ở Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Xuân Diệu. Thoát ly trong một cá tính thơ là kỳ dị và trốn lánh thực tại trong “sự điên cuồng” cùng Hàn Mặc Tử...

Nói về thơ của Chế Lan Viên, một số nhà nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá Chế Lan Viên có một phong cách thơ rõ nét và độc đáo, thơ ông là sức mạnh trí tuệ đỉnh cao, phản ánh mọi sắc màu và đầy hơi thở cuộc sống.

Chế Lan Viên đã trải qua nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng để có sự chuyển đổi về tư tưởng, về nhân sinh quan, thế giới quan.

Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, thơ của Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "Trường thơ Loạn" với những vần thơ có phần kinh dị và huyền bí, một thế giới đầy bóng tối, siêu hình, khép kín, có lúc làm hoang mang người đọc trong tập thơ “Điêu tàn” (1937) hay đầy tính triết lý, trừu tượng hướng về vũ trụ bao la, thần bí, về sự vận động vô cùng vô tận của thế giới và mang đậm màu sắc tâm linh thần bí và siêu hình trong tập văn xuôi “Vàng sao” (1942), thì sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã có những thay đổi rõ rệt.

Trong thời kỳ 1960-1975, thơ Chế Lan Viên có khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Ở giai đoạn này, ông đã cho ra đời nhiều sáng tác về lãnh tụ lỗi lạc, về Tổ quốc đẹp tươi, những tác phẩm của ông được ví như “một tiếng reo vui” ca ngợi về thời đại mới: Thời đại Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Có thể kể đến một vài sáng tác tiêu biểu của ông thời kỳ này như bài: “Người đi tìm hình của nước," “Tiếng hát con tàu," “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”..., trong đó bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên được Giáo sư Phong Lê - nhà nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam đánh giá là một trong số ít bài đứng ở đỉnh cao nền thơ chống Mỹ năm 1965.

Bài thơ dài 69 câu, triển khai nhiều ý tưởng mới và lạ nhằm khẳng định sức sống, bản lĩnh, vẻ đẹp của dân tộc - một dân tộc có truyền thống văn hóa nhiều nghìn năm...

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng nhận định thơ Chế Lan Viên giàu triết lý, không phải là thứ triết lý sách vở, nói cho sang, mà là thứ triết lý ông vịn vào để sống, để giải quyết việc đời, để ứng xử với đồng loại, nó là kinh nghiệm sống của đời, nó ấm như hơi thở của ông...

Từ trái sang: các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông.

Thơ Chế Lan Viên phong phú về giọng điệu: lúc thì ông thầm thì trò chuyện, gói tiếng thở dài vào trong câu thơ ngắn, lúc thì ông sang sảng hùng biện, thơ âm vang như cáo, như hịch, lúc mát mẻ lạnh lùng kiểu ngụ ngôn, lúc bừng bừng giận dữ trong hơi đả kích, khi lại thâm trầm ung dung như người thoát tục nhìn hoa đại, hoa sen...

Chế Lan Viên cũng rất phong phú hình thức biểu hiện. Ông là người tích cực vào bậc nhất trong việc tìm tòi đổi mới dáng vẻ câu thơ, bài thơ Việt Nam ở thế kỷ 20.

Có thể nói, trong suốt sự nghiệp thi ca của mình, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những vần thơ đầy trí tuệ, triết lý. Ông luôn là nhà thơ tiên phong, tiêu biểu bậc nhất của phong trào Thơ mới, thơ ca kháng chiến và thơ ca Việt Nam sau năm 1975. Ông vẫn luôn xứng đáng là nhà thơ trí tuệ, triết luận tiêu biểu nhất của thi ca Việt Nam thế kỷ 20.

Theo PHƯƠNG LAN (TTXVN/Vietnam+)