Đến thăm gia đình anh Đa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh rất xúc động, đó là ông Nguyễn Văn Nghiêm (cha của anh Đa) tay run run bón từng muỗng thuốc, muỗng cháo cho đứa cháu nội bất hạnh. Ở cái tuổi 81, ông Nghiêm không còn làm được gì, ngoài việc cố gắng chăm sóc đứa cháu bị tật từ nhỏ, để con trai đi làm kiếm tiền. Ông Nghiêm cho biết: “7-8 năm nay, từ khi con dâu qua đời vì bạo bệnh, để lại 5 đứa con. Đứa cháu gái út lúc đó tròn 1 tuổi không may bị sốt viêm não Nhật Bản.
Gia đình đưa cháu đi khám bệnh trễ nên bị di chứng bại não. Từ đó đến nay, tay chân cháu co quắp chỉ có thể nằm một chỗ, ăn uống rất khó khăn. Đứa cháu trai lớn hơn đang học lớp 8, thường xuyên lên cơn động kinh, gia đình phải đưa cháu đi tái khám và lấy thuốc uống hàng tháng. Đứa cháu trai lớn hơn học lớp 9, do hoàn cảnh quá khó khăn đã học nghề sửa điện lạnh. Hai đứa cháu (1 trai, 1 gái) lớn nhất đang là sinh viên, đi học ở TP. Cần Thơ”.
Ông Nghiêm đang chăm sóc cháu nội
Khi chúng tôi thăm hỏi em Nguyễn Hữu Tình (học lớp 8), với quá nhiều lo toan làm sao cha có thể lo được ngần ấy chi phí? Em Tình bộc bạch: “Cha em phải làm việc vất vả, phụ hồ nhiều nơi, đến tối muộn mới về để có tiền lo cho ông nội và mấy anh em. Mấy hôm nay, công việc làm hồ của cha rất ít; còn anh của em sửa điện lạnh cũng rất ít khách nên gia đình rất khó khăn”...
Chị Trần Thị Mộng Thu (cán bộ chi hội phụ nữ ấp Thị 1) cho biết: “Gia đình anh Nguyễn Thành Đa thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Mặc dù anh Đa rất nỗ lực, cần cù lao động nhưng không thể vượt qua quá nhiều khó khăn, một mình nuôi con khuyết tật, đau bệnh, học đại học. Trước hoàn cảnh khó khăn ấy, địa phương thường xuyên lui tới trao quà vào dịp lễ, Tết để anh Đa vơi bớt nỗi lo, tạo điều kiện để 2 cháu lớn được vay ưu đãi dành cho sinh viên để có tiền đóng học phí. Chúng tôi rất mong có thêm sự chia sẻ từ những nhà hảo tâm gần xa, để anh Đa có điều kiện chăm sóc 2 cháu đau bệnh được tốt hơn, có nguồn lực lo cho các con học hành”…
Bà Đỗ Thị Vạng
Đến ấp Thị 2, chúng tôi rất thương cảm với cảnh nghèo khó, neo đơn của bà Đỗ Thị Vạng. Ở cái tuổi 80, bà đi lại rất khó khăn, phải đẩy chiếc ghế mới có thể nhích về phía trước. Chồng mất từ nhiều năm, bà không có con cái nên sống thui thủi một mình, không người phụng dưỡng.
Hàng xóm xung quanh thương tình, thấy bà mắt kém, tay run không còn tự nấu cơm được nữa, nên mỗi bữa ăn các gia đình thay phiên nhau, người có món gì mang qua cho bà chút ít. Bà Vạng chia sẻ: “Trong người nhức mỏi, đau bệnh nhiều quá mà không có ai lo, không có tiền đi bệnh viện. Nửa đêm thấy khó chịu, khó khăn lắm mới cất tiếng gọi được mấy cháu hàng xóm qua chăm sóc”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hội An Trần Kim Ngân cho biết: “Hoàn cảnh của bà Đỗ Thị Vạng rất đáng thương. Ngày trước, bà cùng chồng đi làm thuê, mướn nhiều nơi, nhưng chỉ đủ lo được bữa cơm hàng ngày. Chồng bà mất nhiều năm, một mình bà tự đi làm kiếm sống, đến nay tuổi cao sức yếu không thể tự lo cho mình.
Bà cũng không còn tiền tích lũy, nên cuộc sống hàng ngày rất khó khăn, không tiền sinh hoạt, không tiền thuốc men. Trước hoàn cảnh neo đơn ấy, địa phương thường xuyên lui tới phụ giúp, tặng những phần quà để bà có thể sinh hoạt. Chúng tôi rất mong những tấm lòng nhân ái chia sẻ, giúp đỡ để bà Vạng bớt khổ, có thêm chút ít tiền mua thuốc men trong những lúc trái gió, trở trời”.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ. |
NGỌC GIANG