Đại tá Nguyễn Thế Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang khẳng định, việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là cần thiết, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại trong tình hình hiện nay.
Tình hình trật tự, ATGT đường bộ trong những năm qua tuy chuyển biến, nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng. Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các vấn đề về an ninh, như: Biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…
Quang cảnh buổi hội thảo
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe gắn máy.
Theo đó, một số quy định được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện... Vì vậy, nếu Luật Trật tự, ATGT đường bộ được xem xét thông qua, sẽ góp phần khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công nghiệp an ninh của Bộ Công an chưa tập trung, còn phân tán ở nhiều đầu mối cơ quan trực thuộc; thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền trong xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh chưa đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh chủ yếu là đơn vị sự nghiệp công lập bố trí phân tán, chưa hình thành hệ thống độc lập.
Công nghiệp an ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế được giao, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra; trình độ kỹ thuật, công nghệ còn yếu. Đặc biệt, chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật đầu ngành, chuyên gia quản trị doanh nghiệp và công nhân lành nghề có trình độ, kinh nghiệm kỹ thuật, tay nghề cao…
Trước tình hình đó, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng - an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, quy hoạch sắp xếp các cơ sở công nghiệp quốc phòng - an ninh phù hợp thế trận phòng thủ chiến lược, đáp ứng yêu cầu đảm bảo tại chỗ cho các lực lượng khi có tình huống xảy ra. Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng - an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết, nhằm thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định pháp luật có liên quan.
Riêng Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, phù hợp Hiến pháp năm 2013.
Từ đó, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của lực lượng cảnh vệ, tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ. Việc ban hành Luật Cảnh vệ là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan, phù hợp luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ…
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Tập trung ở các nhóm vấn đề, như: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ. Do vậy, cần thiết bổ sung các nhiệm vụ trên vào dự thảo Luật Cảnh vệ.
Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang yêu cầu công an các đơn vị, địa phương cần tập trung làm tốt công tác tham mưu, tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; sự ủng hộ của quần chúng Nhân dân về chủ trương xây dựng 3 dự án luật.
Tăng cường phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền về sự cần thiết, vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng, ban hành và những nội dung cơ bản của 3 dự án luật. Tiếp tục nắm tình hình dư luận trong các tầng lớp Nhân dân để có hướng xây dựng, hoàn thiện 3 dự án luật thời gian tới.
KHÁNH HƯNG