4 lưu ý về dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng

30/06/2022 - 03:23

 - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42/2022/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Trong đó, 4 điều cần lưu ý về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thế nào là dịch vụ công trực tuyến?

Theo Khoản 4, 5 Điều 3 Nghị định 42/2022/NĐ-CP, ngày 24/6/2022 của Chính phủ, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Trong đó, dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý hoặc dưới hình thức thông báo kết quả thực hiện trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý.

Hiện nay, quy định dịch vụ hành chính công được cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý, không áp dụng hình thức thông báo kết quả thực hiện. Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một hoặc một số thủ tục hành chính (TTHC) để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.

Các mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Khoản 1, Điều 11 Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 2 mức độ, gồm: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình (dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về TTHC, việc thực hiện và giải quyết TTHC đều được thực hiện trên môi trường mạng). Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.

Dịch vụ công trực tuyến một phần (dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện quy định nêu trên). Cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật.

Hiện, dịch vụ công trực tuyến có 4 mức độ cung cấp được quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định 43/2011/NĐ-CP.

Danh mục dịch vụ công trực tuyến

Theo Điều 12 Nghị định 42/2022/NĐ-CP, danh mục và thông tin của các dịch vụ công trực tuyến phải được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đồng bộ và đăng tải trên Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Theo Điều 6 Thông tư 32/2017/TT-BTTTT, hiện nay, việc công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến thể hiện tại mục “Dịch vụ công trực tuyến” trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục, cục và cơ quan tương đương, UBND cấp tỉnh phải thông báo đầy đủ, kịp thời toàn bộ danh sách dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, các đơn vị thuộc, trực thuộc.

Các dịch vụ công trực tuyến phải được tổ chức, phân loại theo đối tượng sử dụng (tổ chức, cá nhân), theo nhóm dịch vụ (theo chủ đề), theo mức độ và cơ quan thực hiện để thuận tiện cho việc tìm kiếm, sử dụng. Hiện hành, danh sách các dịch vụ công trực tuyến được phân loại theo ngành, lĩnh vực, cấp hành chính và thể hiện rõ mức độ của dịch vụ để thuận tiện cho việc tìm kiếm, sử dụng. Đồng thời, tên của dịch vụ công trực tuyến phải đặt đúng theo tên của TTHC tương ứng được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

Dịch vụ công trực tuyến khi cung cấp trên môi trường mạng phải được: Chuẩn hóa, đồng bộ về mã, tên dịch vụ công trực tuyến; cung cấp biểu mẫu điện tử kèm theo; hướng dẫn quy trình sử dụng cho tổ chức, cá nhân; hướng dẫn quy trình xử lý của các cơ quan nhà nước và kết quả của dịch vụ công trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Việc chuẩn hóa này được công bố kèm hướng dẫn cho người dùng theo từng dịch vụ công trực tuyến.

Kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến?

Căn cứ Điều 13 Nghị định 42/2022/NĐ-CP, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh là thành phần của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp cho tổ chức, cá nhân. Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh phải bảo đảm yêu cầu: Có tên miền thống nhất theo dạng dichvucong.(tên bộ, địa phương).gov.vn với giao diện ngôn ngữ tiếng Việt, e-services.(tên bộ, địa phương tiếng Anh).gov.vn với giao diện ngôn ngữ tiếng Anh; tên bộ, địa phương đặt theo quy định của pháp luật và sử dụng công nghệ địa chỉ internet IPv6.

Kết nối, tích hợp với Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cổng dịch vụ công quốc gia. Kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số. Kết nối với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng để giúp cho tổ chức, cá nhân thực hiện ký số thuận tiện, dễ dàng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật đối với Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng công cụ dùng chung để các cơ quan nhà nước phát triển Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cơ quan nhà nước chủ động triển khai kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến khác sau đây: Mạng xã hội do cơ quan nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của pháp luật. Ứng dụng trên thiết bị di động của cơ quan nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai tập trung, thống nhất, dùng chung trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước, tránh trùng lặp.

Nghị định 42/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2022 và thay thế Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011.

K.N