Theo Cơ quan bảo vệ môi trường tự nhiên Sernanp của Peru, số chim hoang dã, bao gồm chim cánh cụt, bồ nông, mòng biển và sư tử biển chết được ghi nhận tại tổng cộng 15 khu vực biển và bờ biển được bảo vệ.
Tất cả các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đều xác nhận sự hiện diện của virus H5N1 ở xác sư tử biển thu gom được. Thực tế này đã buộc cơ quan chức năng nước này kích hoạt cơ chế cảnh giác sinh học. Theo đó, Cơ quan rừng và động vật hoang dã Peru (SERFOR) đã khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc và để vật nuôi tiếp xúc với sư tử biển và các loài chim biển trên các bãi biển.
Tháng 12/2022, giới chức Peru đã tiêu hủy 37.000 con chim tại một ổ dịch cúm gia cầm sau hàng loạt ổ dịch bùng phát trước đó.
Cúm gia cầm là một bệnh do virus ở các loài gia cầm, gây tỷ lệ tử vong cao ở các trang trại chăn nuôi. Mặc dù hầu hết các chủng virus cúm gia cầm không lây sang người, song một số biến thể, chẳng hạn như H5N1, có thể lây nhiễm sang người. Hiện tại, H5N1 chỉ lây từ động vật sang người, nhưng các chuyên gia lo ngại sự tiến hóa của virus theo hướng truyền từ người sang người có thể gây ra đại dịch toàn cầu. Tháng 11/2022, Peru đã phải ban bố cảnh báo y tế có hiệu lực trong 180 ngày sau khi phát hiện virus cúm H5N1 ở nhiều chim bồ nông.
Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN)