Lấy đội tuyển Việt Nam làm ví dụ đầu tiên. Các kế hoạch chuẩn bị cho đội của HLV Park Hang Seo và LĐBĐVN (VFF) đã bị đình trệ suốt từ đầu năm tới nay. Dịch Covid-19 khiến V-League phải tạm hoãn và chỉ có thể trở lại sớm nhất cuối tháng 5. Ông Park vì vậy cũng lỡ kế hoạch tuyển quân, chuẩn bị lực lượng đúng với tiến độ theo kế hoạch. Trước mắt, đội tuyển Việt Nam sẽ chưa thể tập trung ít nhất cho tới tháng Sáu khi không giải đấu nào được tổ chức.
Ở giải đấu cuối năm, ông Park cũng sẽ không có được lực lượng đầy đủ nhất khi trung vệ Duy Mạnh gặp chấn thương. Thủ môn Đặng Văn Lâm có nguy cơ không thể góp mặt do đang khoác áo Muangthong United. Trong trường hợp Thai-League thi đấu theo lịch mới (từ tháng 9-2020 đến tháng 5-2021), Đặng Văn Lâm sẽ phải được sự chấp thuận của Muangthong United nếu muốn trở về tập trung cùng đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2020 do giải không nằm trong hệ thống lịch thi đấu của FIFA dành cho các đội tuyển.
Ông Park nhìn vậy nhưng hóa ra còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác trong khu vực. HLV Akira Nishino thậm chí có thể mất cả ngôi sao số một ở tuyển Thái, tiền vệ Chanathip Songkrasin và một số cầu thủ khác đang thi đấu ở J-League (Nhật Bản). Năm 2018 khi Việt Nam đăng quang ngôi vô địch AFF Cup, Thái Lan cũng không có lực lượng mạnh nhất vì Chanathip bận đá cho Consodole Sapporo. Nếu nhìn cách Thái Lan khiến Việt Nam vất vả như thế nào ở Vòng loại thứ hai World Cup 2022, dễ nhận ra sự khác biệt của họ khi có Chanathip trong đội hình.
Malaysia cũng không kém phần căng thẳng. M-League đang phải hoãn lại vì Covid-19 và nhiều khả năng chỉ trở lại sớm nhất trong tháng 9, thậm chí tháng 10. Báo chí Malaysia thậm chí lo lắng Super League có thể bị hủy bỏ. Philippines vừa qua đã có quyết định hủy toàn bộ các hoạt động thể thao tới tháng 12-2020, đẩy đội tuyển bóng đá quốc gia nước này vào cảnh có thể bỏ tham dự AFF Cup 2020.
Từ Singapore tới Myanmar, Lào, Indonesia… bóng đá Đông - Nam Á đang hứng chịu hậu quả do dịch Covid-19 với các mức độ từ nhẹ tới rất nghiêm trọng. Trong bối cảnh trên, thật khó để các đội bóng có sự chuẩn bị tốt nhất về lực lượng, chuyên môn cho giải đấu.
Đổi thể thức thi đấu?
Đây là một khả năng hoàn có thể xảy ra nếu từ nay đến thời điểm AFF Cup 2020 khởi tranh, dịch Covid-19 ở Đông - Nam Á không được ngăn chặn. Singapore theo thống kê tính tới hôm nay hiện đang là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 18.788 ca dương tính, trong đó 18 trường hợp tử vong. Indonesia xếp thứ 2 với 11.587 ca, 864 trường hợp tử vong. Philippines có 9.485 ca dương tính, 623 ca tử vong. Các nước Đông Nam Á hiện đang siết chặt việc xuất nhập cảnh, di chuyển để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó theo thể thức thi đấu AFF Cup 2020, 10 đội sẽ chia làm hai bảng, mỗi bảng năm đội thi đấu vòng tròn một lượt sân nhà - sân khách. Nếu dịch không được kiểm soát tốt, rất khó để các nước đang trong tình trạng “đóng cửa” tổ chức được một trận đấu bóng đá. AFF Cup 2020 cũng có khả năng phải tổ chức trong điều kiện không có khán giả. Nếu vậy, thiệt hại với BTC là không nhỏ.
Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn thừa nhận, dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới bóng đá khu vực và thế giới. Ông Trần Quốc Tuấn cho biết hiện AFF chưa có thông báo nào về công tác tổ chức AFF Cup 2020. “Từ nay tới cuối năm thời gian còn khá dài. Hy vọng rằng tới thời điểm đó, dịch Covid-19 tại Đông - Nam Á đã được ngăn chặn để bóng đá có thể trở lại bình thường”- ông Trần Quốc Tuấn cho biết.
Theo PHONG NGUYỄN (Báo Nhân Dân)