Căn cứ khoản 1, điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 khi cá nhân bị phạt tiền từ ba triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt.
Khi đó, cá nhân phải có đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt.
Việc có được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông hay không là do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp.
Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do.
Đối với trường hợp Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã ra quyết định xử phạt thì UBND cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt.
Cá nhân được giảm, miễn tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định.
Do đó, ngoài việc phải đáp ứng đủ các điều kiện như quy định bên trên thì việc có được miễn, giảm tiền phạt do vi phạm hành chính hay không sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Có thể thấy để có thể được miễn, giảm tiền phạt khi vi phạm giao thông thì người bị xử phạt phải thực hiện một số thủ tục hành chính. Do đó, thay vì mình tìm cách để được miễn, giảm tiền phạt thì ngay từ đầu mỗi người cần chấp hành tốt đúng quy định khi tham gia giao thông để không bị phạt.
Theo A.VŨ (Dân Việt)