An Giang: Bếp ăn nghĩa tình đón dân về

08/10/2021 - 05:05

 - Những ngày qua, hàng chục ngàn người dân, lao động từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… trở về. An Giang đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các nguồn lực xã hội để chăm lo an sinh xã hội một cách tốt nhất cho người dân. Nhiều nhà hảo tâm đã tích cực hỗ trợ nhu yếu phẩm, nước uống, đồ dùng sinh hoạt, nấu thức ăn nhanh miễn phí phục vụ bà con.

Ngày đêm phục vụ dân

Tại công viên Hai Bà Trưng (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), một góc nhỏ của công viên được dựng rạp để làm bếp nấu ăn “dã chiến” - nơi đang đỏ lửa ngày đêm, nấu những suất ăn phục vụ người dân tha hương trở về. Bếp ăn mỗi ngày cung cấp từ 1.000-2.000 phần ăn sáng, trưa, tối và hàng trăm chai nước cam ép phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên và người dân ở các khu cách ly tạm thời trên địa bàn TP. Long Xuyên.

Người thành lập “bếp dã chiến” là chị Lâm Thái Ngân (36 tuổi, ngụ khóm 2, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên). Ngay chiều 1-10, khi một lãnh đạo công an tỉnh ngỏ lời, đề nghị hỗ trợ những suất ăn cho bà con, một mình chị Ngân ra chợ mua thịt, rau, củ, bánh canh và đăng thông báo nhờ người hỗ trợ nấu tiếp.

Ngày đầu mới thực hiện, ít người phụ tiếp nên khá vất vả, vừa sơ chế, nấu, múc bánh canh vào hộp, đóng gói, vừa vận chuyển đến các điểm trường học. Ngày đầu tiên, chị và một số cộng sự “trực chiến” suốt đêm để mang những suất ăn nóng hổi đến tay bà con.

“Trao đến tay người dân những suất ăn, họ rưng rưng nước mắt nói, tụi tui đi từ Bình Dương về, tiền trong túi đã cạn, không có gì trong bụng. Vế đến quê nhà mừng quên cả đói. Giờ được cô cho hộp bánh canh, thật sự quá quý” - chị Ngân kể.

"Bếp ăn dã chiến” của chị Lâm Thái Ngân phục vụ người dân

Chia sẻ với nỗi khổ của bà con, chị Ngân quyết định lên mạng xã hội Facebook huy động lực lượng để nấu ăn phục vụ bà con phương xa. Vậy là, những người “bạn” chỉ biết nhau trên mạng xã hội mới có dịp gặp nhau ở ngoài đời.

Tay thoăn thoắt đảo những đùi gà chiên vàng rượm, bạn Lê Thị Diễm Trang (31 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) nói: “Em quen biết chị Ngân qua Facebook. Khi đọc được lời kêu gọi của chị Ngân trên mạng xã hội, em đã rủ ông xã cùng ra bếp ăn này để nấu. Em thì nấu ăn, ông xã cùng một số người vận chuyển thức ăn đến các điểm trường cho bà con”.

Ấm áp những tấm lòng

Khi được hỏi về chi phí nấu ăn phục vụ miễn phí, chị Ngân cười: “Khoảng 20-30 triệu đồng/ngày. Do gia đình kinh doanh trang sức vàng nên trích tiền dành dụm để nấu ăn phục vụ bà con. Đây là số tiền tích cóp của gia đình. Mình may mắn khi được gia đình ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần. Lúc này là lúc mình góp công, góp của giúp ích cho đời, cho xã hội”.

Thấy được việc làm thiết thực, ý nghĩa của chị Ngân, nhiều bạn bè, người quen và cả những người chưa quen đã góp gạo, thịt heo, thịt gà, rau củ, dầu ăn… Đang trò chuyện với phóng viên, chốc chốc, chị lại nghe điện thoại.

Vừa cúp máy, chị Ngân mừng rỡ quay sang nói: “Chị Ngọc bán thịt góp 20kg sườn non để làm món sườn non ram mặn cho bà con. Lúc sáng, khi mua 10 thùng thịt gà công nghiệp, thế là được nhỏ em bán thịt “tặng thêm” 5 thùng gà. Một số chị em quen là doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và cả kiều bào ở nước ngoài đã chuyển tiền để chia sẻ kinh phí nấu ăn với Ngân, có người chuyển hẳn 10-15 triệu đồng. Cả chỗ bán gas cũng bán gas với giá “0 đồng”. Có người chẳng quen, chẳng biết, chạy xe đến gửi vài ký muối, đường, bột ngọt, vài chai dầu ăn, nước mắm… Họ bảo muốn góp sức để lo cho bà con. Đối với Ngân, đó là những món đồ nghĩa tình, quý lắm!”.

Chị Lâm Thái Ngân nấu những suất cơm miễn phí phục vụ người dân

Soạn hộp xốp để vào phần cơm trưa, bạn Lê Hùng Xe (23 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cho biết: “Em biết chị Ngân qua Facebook, khi thấy chị lên tiếng cần người, em xung phong. Mỗi ngày, em ra bếp ăn này từ 8 giờ sáng, làm đến 11-12 giờ khuya. Có hôm, người dân về nhiều, em cùng mọi người thức đêm nấu, vô hộp chuyển đến các trường, về đến nhà khoảng 3 giờ sáng và hôm sau lại tiếp tục ra nấu. Em rất vui khi được góp chút sức trẻ của mình cùng chính quyền địa phương lo cho người dân. Em nghĩ rằng, đây là lúc mình cống hiến một chút cùng quê hương chống dịch COVID-19”.

Tay xách những túi cơm nóng hổi vừa ra lò, anh Mai Trường Hận (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) thúc giục: “Nhanh tay chút anh, chị, em ơi! Gần 11 giờ trưa, chắc các cán bộ, chiến sĩ, bà con mình đói rồi. Cơm nóng cho mọi người ăn ngon miệng hơn”.

 Vừa dứt lời, anh nhanh tay để những hộp cơm vào túi ny-lon và nói với phóng viên: “Khi chưa có dịch, công việc của tôi là tiếp thị. Giờ dịch bệnh nên thất nghiệp. Thấy ở phường huy động tình nguyện viên phục vụ các khu cách ly nên tôi đi ngay. Công việc từ sáng sớm đến tận khuya, cực cũng có, nhưng vui nhiều hơn. Đến những khu cách ly thấy cán bộ, chiến sĩ chạy đôn, chạy đáo lo cho bà con, cực hơn mình rất nhiều. Nhìn bà con vui mừng khi về đến quê nhà mà vui lây, cực bao nhiêu cũng không thành vấn đề. Chỉ mong góp chút công sức để bà con ấm lòng”.

Để tránh tình trạng thừa thức ăn, chị Lâm Thái Ngân chủ động liên hệ lãnh đạo phụ trách các điểm cách ly ở trường học nắm số lượng thức ăn đang cần để mang đến ngay, như: Trường THCS Nguyễn Trãi, Trường Tiểu học Châu Văn Liêm, Nhà thi đấu TP. Long Xuyên, Trường Đại học An Giang… Không chỉ nấu cơm, bánh canh, tại “bếp ăn dã chiến” của chị Ngân còn nấu cháo gửi cho em bé. Thông qua Facebook, chị kêu gọi mọi người hỗ trợ tã, sữa, bánh ngọt, nước suối, khẩu trang, nước sát khuẩn và nhu yếu phẩm cần thiết khác.

THU THẢO