An Giang: Kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19

10/09/2021 - 06:02

 - Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ đề ra một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng kỳ vọng góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất - kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho NLĐ. Vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào, để các đối tượng sớm được nhận khoản hỗ trợ trên.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Phạm Sơn cho biết, tính đến ngày 6-9, toàn tỉnh tiếp nhận đề nghị hỗ trợ cho 112.681 lao động, 1.624 doanh nghiệp  (DN) và 43 hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch theo Nghị quyết 68/NQ-CP, tổng số tiền hỗ trợ dự kiến hơn 101 tỷ đồng. Tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 82.053 lao động, 1.624 DN và 43 hộ kinh doanh với số tiền hơn 54,8 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh giải ngân hỗ trợ vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất... Đối với người bán lẻ vé số lưu động, UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ (2 đợt) cho 14.524 lao động, tổng số tiền hơn 21,7 tỷ đồng; 14.053 người đã được chi tiền, tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng.

Ngày 26-8-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1988/QĐ-UBND về việc tiếp nhận và phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia xuất cấp cho tỉnh An Giang theo Quyết định 1415/QĐ-TTg, ngày 20-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Sở LĐ-TB&XH phối hợp các cơ quan liên quan tiếp nhận 532.219kg gạo của 7 địa phương, gồm: huyện An Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Tịnh Biên, TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc; cấp phát cho 33.622 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với 503.334kg gạo. Số còn lại đang được tiếp tục cấp phát.

Nhiều hoạt động hỗ trợ người khó khăn trong mùa dịch. Ảnh: MỸ HẠNH

Tại cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh ngày 7-9, đại diện 11 huyện, thị xã, thành phố trình bày các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng ảnh hưởng dịch COVID-19 trên địa bàn. Tiến độ triển khai chính sách chậm, nguyên nhân chung được chỉ ra là do dịch bệnh kéo dài, các lực lượng đều tập trung cho công tác chống dịch, ảnh hưởng phần nào đến công tác rà soát đối tượng. Một số nơi còn lúng túng khi lựa chọn đối tượng rà soát theo quy định văn bản.

Đối với NLĐ tự do, ngoài người bán lẻ vé số lưu động (đã được hỗ trợ 95,5%), địa phương rà soát, lập danh sách lao động tự do còn lại theo Quyết định 1856 tăng cao so với dự kiến. Sau khi báo cáo UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, rà soát danh sách khẩn trương và phải thực hiện kỹ lưỡng, lưu ý chỉ phê duyệt danh sách hỗ trợ NLĐ tự do đúng đối tượng và đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định.

Hiện nay, một vài địa phương phê duyệt danh sách hỗ trợ và đề nghị tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ, như: TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, huyện Tri Tôn… Tuy nhiên, Sở Tài chính cho rằng, tổng số lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ nếu đúng như thực tế từ địa phương thì sẽ vượt so số lượng dự kiến ban đầu, ảnh hưởng đến ngân sách của tỉnh. Do đó, chưa thống nhất tham mưu UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang Trương Bá Trạng, đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định thành phần và thẩm định hồ sơ đối với hướng dẫn viên du lịch. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch báo cáo và đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể hơn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Ông Trạng cho rằng: “Đối với chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, hiện nay chỉ mới tiếp nhận hồ sơ và trình UBND tỉnh hỗ trợ 28 người (25 viên chức ở tỉnh và 3 viên chức của các huyện). Con số này chưa sát với thực tế, khi một số huyện không rà soát được hoặc báo cáo “không có đối tượng hỗ trợ”. Trong khi lĩnh vực hoạt động nghệ thuật còn rất nhiều đối tượng cần bổ sung thêm, cần được quan tâm rà soát kỹ hơn để tránh tình trạng hỗ trợ không đồng đều, bỏ sót”.

Với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, dựa trên số hộ đăng ký thuế, toàn tỉnh có đến hàng chục ngàn hộ. Đến nay, chỉ có huyện Tri Tôn gửi danh sách 43 hộ kinh doanh và đã được giải quyết 129 triệu đồng. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Phạm Sơn lý giải, khó xác định “DN, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19”. Bộ LĐ-TB&XH đã ghi nhận, đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg theo hướng bổ sung “hoặc có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1-5 đến 31-12-2021”, đơn giản bớt một số hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Để tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả chính sách hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, cố gắng hoàn thành nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội này.

“Quan trọng là phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách và không bỏ sót đối tượng. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với sở, ngành liên quan kịp thời hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ để xử lý tháo gỡ theo thẩm quyền. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách, kinh phí và đối tượng được nhận hỗ trợ. Phòng chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát, lập danh sách, dự toán, kinh phí trình cấp thẩm quyền phê duyệt và nhanh chóng chi hỗ trợ cho các đối tượng còn lại. UBMTTQ các cấp và tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, đảm bảo chính sách được thực hiện nhanh nhất, nhằm kịp thời hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.

MỸ HẠNH - TRỌNG TÍN