An Giang: “Thay áo” cho chốt phòng, chống dịch COVID-19

30/08/2020 - 14:00

 - Bước vào tháng 7 âm lịch, con nước bắt đầu dâng cao, báo hiệu mùa lũ lại về ở ĐBSCL. Vì vậy, tất cả tổ chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn tuyến biên giới An Giang được đồng loạt xây dựng kiên cố theo mô hình nhà sàn vượt lũ.

Ở một số cánh đồng trên địa bàn huyện An Phú, nước lên xem xép bắp chân. Mọi vật dụng đều được di dời lên trên cao, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Vài tuần nữa, nước sẽ ngập qua khỏi chiếc giường này. Việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ sẽ  gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Khu vực “bếp” của chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 6 (Đồn Biên phòng Nhơn Hội) nằm giữa ruộng nước. Cán bộ, chiến sĩ hầu như phải xắn ống quần cả ngày để tiện... lội nước làm nhiệm vụ và sinh hoạt.

Theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, các chốt sẽ được xây dựng đồng loạt theo mô hình chung, diện tích khoảng 20m2, kết cấu khung gỗ tràm, vách và mái tole, với kinh phí khoảng 30 triệu đồng/ chốt. Trong đó, có sự đóng góp ngày công của rất nhiều người dân địa phương.

Hiểu được tầm quan trọng của các tổ chốt phòng, chống dịch, để “chạy đua” với con nước sắp về, người dân nhiệt tình giúp một tay để việc xây dựng sớm hoàn thành. Ông Nguyễn Ngọc Thời (giữa) gần 60 tuổi, cựu chiến binh ở xã Vĩnh Hội Đông (An Phú), cùng nhiều người cao tuổi khác tham gia làm các chốt phòng, chống dịch. Ông bảo: “Tuổi cao thì làm việc nhẹ, việc nhỏ theo sức mình, để các cháu bộ đội sớm có nơi ở ổn định làm nhiệm vụ canh giữ biên cương”.

Quá trình xây cất chốt trên toàn tuyến biên giới, còn có sự tham gia của cán bộ địa phương, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo... Tất cả đều có nhiều kinh nghiệm tham gia công tác an sinh xã hội, cất sửa nhà cho hộ nghèo, nên việc dựng chốt được thực hiện nhanh chóng, khoa học, chắc chắn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc vận chuyển vật tư, đi lại ra chốt. Các chốt nằm giữa đồng nước hoặc đường tuần tra biên giới, trong điều kiện bình thường đã cực kỳ vất vả, huống chi là vào thời điểm nước nổi. Vì vậy,  cán bộ, chiến sĩ, người dân đều phụ thuộc hoàn toàn vào phương tiện thủy. Quá trình vận chuyển vật tư mất nhiều thời gian, công sức hơn.

Để xây dựng chốt, mọi người phải ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ, di chuyển từ vỏ lãi này sang vỏ lãi khác, thực hiện công việc với nhiều bất tiện về địa hình và sinh hoạt.

Thế nhưng, mọi người vẫn rất nhiệt tình, tích cực làm tròn nhiệm vụ của mình, dù nắng gắt đổ lửa, dù mưa gió vần vũ trên đầu. Thức ăn trưa có thể được mua về, được chiến sĩ nấu tại chỗ hoặc do Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo các địa phương huy động tín đồ nấu đem ra tận chốt... Dù món ăn đơn sơ, chỗ ngồi tạm bợ, nhưng luôn thấm đẫm tình đoàn kết quân – dân, tràn ngập tiếng cười.

Ngoài việc được xây dựng chốt kiên cố, cán bộ, chiến sĩ còn được UBMTTQVN tỉnh trao tặng bồn chứa nước sinh hoạt (loại 500 lít) để trữ nước sinh hoạt, khắc phục tình trạng thiếu nước như những ngày đầu thành lập chốt.

Sắp tới đây, những tổ, chốt dã chiến (bìa trái) sẽ được thay thế bằng căn nhà kiên cố (bìa phải), tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ “vượt nắng, thắng mưa” yên tâm làm nhiệm vụ kép canh giữ biên giới, không để dịch bệnh và tội phạm xâm nhập. Tất cả đã sẵn sàng tâm thế cho một “cuộc chiến” lâu dài!

GIA KHÁNH