Ant-Man 2: Siêu anh hùng bình dân và quãng nghỉ giữa Infinity War

08/07/2018 - 14:10

Sau siêu bom tấn "Avengers: Infinity War" với cái kết gây sững sờ, hầu hết khán giả đều muốn thời gian qua thật mau để được xem tiếp "Avengers 4" dự kiến ra mắt năm 2019.

Tuy nhiên, hãng Marvel Studios thực hiện phương châm "muốn nhanh thì phải từ từ" khi xen giữa hai phần "Avengers" là các bộ phim "Ant-Man and the Wasp" (tựa Việt là Người Kiến và chiến binh Ong) cùng "Captain Marvel." Với phần hai của "Ant-Man," khán giả có một lựa chọn giải trí không tồi và biết thêm một tình tiết hứa hẹn đóng vai trò quan trọng trong "Avengers 4."

Kỹ xảo ấn tượng trong Ant-man 2

Bối cảnh của "Ant-Man 2" được đặt trong khoảng thời gian giữa các tập phim "Captain America: Civil War" và "Avengers: Infinity War." Lúc này, "Người Kiến" Scott Lang (Paul Rudd thủ vai) đang bị quản thúc tại gia hai năm sau khi giúp đỡ Captain America và vi phạm Hiệp định Sokovia. Anh cố dành thời gian tại nhà cho cô con gái Cassie (Abby Ryder Fortson) và biết rằng chỉ cần bước chân ra khỏi cửa, đặc vụ FBI Woo (Randall Park) sẽ cho anh ngồi tù 20 năm liền.

Ở bên ngoài, cha con tiến sỹ Hank Pym (Michael Douglas) và Hope van Dyne (Evangeline Lilly) đang phải chạy trốn khỏi những lực lượng chức năng. Họ trăn trở tìm cách thâm nhập vào vùng Lượng tử giới (Quantum Realm) để giải cứu người vợ Janet (Michelle Pfeiffer) bị mắc kẹt từ năm 1987.

Một cách vô tình, Scott Lang lại nắm giữ mối liên hệ đặc biệt có thể giúp tìm ra vị trí của bà Janet trong Lượng tử giới. Lang tìm cách hỗ trợ cha con nhà Pym và gặp vật cản lớn mang tên "Ghost" (Hannah John-Kamen). "Bóng Ma" này sở hữu năng lực đặc biệt và tìm mọi cách để có được năng lượng từ Lượng tử giới, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc khiến bà Janet mất mạng...

Nhân vật The Ghost trong Antman 2

Đạo diễn của "Ant-Man 2" tiếp tục là Peyton Reed - người từng mang lại nhiều bất ngờ thú vị với "Ant-Man" (2015). Khi đó, người hâm mộ vốn đã quen với các siêu anh hùng, thần thánh trong loạt phim Marvel Cinematic Universe được đổi món với anh chàng bình dân Scott Lang.

Nhân vật này không hề sở hữu năng lực đặc biệt hay khối tài sản kếch xù. Trái lại, anh là một cựu tù nhân và khi ra tù phải chứng kiến cảnh vợ con mình đang sống cùng một người đàn ông khác. Xuất thân bình thường cùng sự lạc quan của Lang giúp khán giả dễ "cảm" được nhân vật này.

Vì lẽ đó, "Ant-Man 2" mang tới cảm giác của một bộ phim gia đình của Disney hơn là một bộ phim siêu anh hùng.

Ngay từ cảnh đầu phim, người xem đã thấy Lang bày một trò chơi kỳ công đến nhường nào để chiều lòng cô con gái. Khác với những người hùng khác trong nhóm Avengers chưa có con cái và có thể tận hiến vì lý tưởng, đấu tranh cho công lý hay quê hương... mối bận tâm lớn nhất của Lang là bé Cassie, người mà anh "sẽ nhớ mãi dù có bị giam trong tù thêm 100 năm."

Nội dung chính của phim cũng không phải cuộc chiến chống lại ác nhân nào để cứu thế giới mà xoay quanh hành trình giải cứu người vợ, người mẹ Janet ra khỏi nơi bà mắc kẹt hàng chục năm. Yếu tố gia đình được đặt lên trên hết, qua tình yêu của Lang dành cho con gái hay những vất vả mà cha con Pym phải trả qua để tìm được người thân.

Xét về tính giải trí, "Ant-Man 2" kế thừa sự hài hước phần đầu và tiếp tục khiến khán giả bật cười thoải mái với nhiều đoạn thoại vui nhộn. Nhân vật mang lại tiếng cười nhiều nhất là Luis (Michael Pena) - anh bạn thân của Scott Lang với khả năng kể chuyện độc đáo.

Cách Luis "bắn liên thanh" và diễn giải một câu chuyện đơn giản bằng cách dài dòng, có vần điệu làm người xem khó lòng nhịn được cười. Paul Rudd cũng cho thấy khả năng diễn hài duyên dáng đã được chứng tỏ từ "Friends" thông qua nhiều trường đoạn biểu cảm đa dạng.

Một cảnh trong Ant-man 2

Tuy nhiên, có những phân cảnh trong phim với chủ đích gây cười chưa được điều tiết vừa phải, dẫn tới cảm giác hơi thừa thãi so với mức cần thiết.

Khoảng nửa đầu của bộ phim có những cảnh tạo cảm giác lê thê và quá dàn trải do kịch bản thiếu điểm nhấn. Điều này được cứu lại với khúc cuối phim, khi cao trào được đẩy lên cao với các màn rượt đuổi chạy đua với thời gian tại nhiều nơi cùng lúc.

Marvel Studios tiếp tục cho thấy sự sáng tạo trong dàn dựng khi khiến người xem phấn khích với những chiêu phóng to - thu nhỏ được áp dụng vào các màn rượt đuổi và hành động. Sự thích thú của khán giả được đẩy lên cũng nhờ những trường đoạn có tiết tấu nhanh và đầy sáng tạo kể trên.

Một điểm trừ của "Ant-Man and the Wasp" là bộ phim thiếu đi sự cao trào về cảm xúc. Thời lượng hai tiếng của phim tạo cảm giác hơi dài với những cảnh phim đáng lẽ có thể rút gọn hơn. Nhân vật phản diện "The Ghost" tương đối nhạt nhòa, trong khi nhóm xã hội đen được đưa vào phim chỉ để "góp vui."

Không có một nhân vật phản diện đúng nghĩa, bộ phim cũng không mang yếu tố bất ngờ, kịch tính. Việc bà Janet có còn sống trong Lượng tử giới hay không đều đã được biết từ trước khi phim được ra mắt, bởi nữ diễn viên chính gạo cội Michelle Pfeiffer là một trong những gương mặt trên poster.

Nhìn tổng thể, "Ant-Man and the Wasp" là một bước đệm an toàn, đem lại cảm giác giải trí nhẹ nhàng cho người hâm mộ Marvel sau những bi thương của "Infinity War."

Phần after-credit là điểm sáng của "Ant-Man 2" khi hé lộ tình tiết đóng vai trò quan trọng trong siêu bom tấn "Avengers 4" sẽ ra mắt trong năm tới. 

Ant-Man and the Wasp

Đạo diễn: Peyton Reed

Diễn viên: Paul Rudd, Michael Douglas, Evangeline Lilly

Thể loại: Hài hước, Giả tưởng

Thời lượng: 118 phút

Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 6-7.

Theo Vietnam+