Áp dụng công nghệ vào ngành đăng kiểm

21/04/2023 - 06:26

 - Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 02/2003/TT-BGTVT, bổ sung một số điểm mới về đăng kiểm, kiểm định phương tiện, nhằm tháo gỡ nút thắt, giảm tình trạng quá tải của các trung tâm đăng kiểm. Trong đó, có nhiều quy định được dư luận đồng tình, nhưng cũng có quy định bị cho là “lạc hậu”.

Một số quy định theo Thông tư 02/2003/TT-BGTVT, như: Miễn đăng kiểm lần đầu đối với ôtô mới chưa qua sử dụng; kéo dài chu kỳ kiểm định đối với một số dòng xe… được nhiều chủ xe, các doanh nghiệp vận tải đồng tình ủng hộ. Thay đổi này giúp các chủ xe, doanh nghiệp vận tải giảm thủ tục, chi phí, thời gian.

Tuy nhiên, nhiều tài xế lại phiền hà với tem kiểm định và tem phí đường bộ được dán thủ công ở kính xe ôtô. Anh Trịnh Văn Gốc (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, một tài xế xe tải lâu năm) cho biết, mỗi khi tới kỳ đi kiểm định là coi như mất ngày lương. Sau khi đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phải đợi dán tem. Trong khi đó, tem này từ khi được dán tới kỳ kiểm định lần sau không có tác dụng gì. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra thì xuất trình giấy kiểm định, trong đó ghi thời hạn kiểm định, không cần phải nhìn vào tem kiểm định.

Về phí đường bộ cũng vậy, được chế tài theo kỳ kiểm định, chủ xe không thể trốn tránh trách nhiệm nên không cần thiết phải dán tem. Luật Giao thông đường bộ chưa có hình thức xử phạt dành cho lỗi vi phạm chưa đóng phí đường bộ. “Với công nghệ phát triển như hiện nay, ngành đăng kiểm cần bỏ các tem này, chỉ cần cấp mã vạch sẵn trên xe, lực lượng chức năng quét mã vạch là có thể kiểm tra bất cứ xe nào, biết được thông tin xe còn hạn kiểm định và đã đóng phí bảo trì đường bộ hay chưa” - anh Gốc đề xuất.

Cùng quan điểm này, anh Nguyễn Quốc Huy (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tôi mới mua xe, phải đi kiểm định và dán 2 con tem rất khó chịu. Khi dán tem trên kính lái dễ gây cản trở tầm nhìn. Lực lượng chức năng muốn kiểm tra xe có bảo đảm an toàn kỹ thuật hay không, bắt buộc phải dừng xe mới kiểm tra được. Điều này giới hạn số lượng xe được kiểm tra. Nếu kiểm định cấp mã vạch, có thiết bị đọc mã vạch có thể kiểm tra rất nhiều xe, kịp thời phát hiện những xe không còn được phép lưu hành nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không phiền hà những xe còn thời hạn lưu thông”.

Theo các tài xế, tương tự như mã vạch dùng để đọc dữ liệu khi qua trạm thu phí không dừng, mã vạch đăng kiểm cũng có chức năng tương tự. Khi xe đến kiểm định, qua các khâu kiểm tra đạt an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nộp đủ phí bảo trì đường bộ, đơn vị kiểm định chỉ cần nhập dữ liệu vào mã vạch đăng kiểm là xong. Với mã vạch dán trên kính chắn gió, vừa nhỏ gọn, thẩm mỹ nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý của cơ quan chức năng.

 Thời gian gần đây, công nghệ phát triển nhanh, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quản lý tiến tới số hóa hoàn toàn. Việc tích hợp các loại giấy tờ giúp cho việc quản lý thuận tiện và nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí. Hiện nay, tất cả các loại xe ôtô khi qua trạm BOT điều phải dán mã vạch thu phí không dừng. Với công nghệ số phát triển mạnh như hiện nay, việc tích hợp các loại giấy tờ vào cùng chung mã thu phí, kể cả tem kiểm định và tem phí đường bộ thật dễ dàng. Như vậy, việc quản lý các phương tiện được chặt chẽ hơn, tránh gây phiền toái cho lái xe, chủ phương tiện so với dán tem quản lý thủ công.

ĐĂNG LÂN