Bà Hứa Thị Phấn qua đời, thu hồi 11.000 tỉ đồng ra sao?

19/02/2023 - 14:15

Theo chuyên gia pháp lý, người thừa kế của bà Hứa Thị Phấn về nghĩa vụ thi hành án 11.000 tỉ đồng còn lại, nếu bà này qua đời không để lại di sản thì cơ quan chức năng sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án dân sự.

Trưa ngày 13-2, bà Hứa Thị Phấn (SN 1947, cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) được xác định đã qua đời. Nhiều năm nay, sức khỏe yếu, bà được hoãn thi hành bản án 30 năm tù về các sai phạm tại TrustBank, liên quan 2 đại án ngân hàng.

Bà Hứa Thị Phấn hầu toà khi còn sống. Ảnh: NLĐO

Ngoài trách nhiệm hình sự, bà Phấn còn bị tòa buộc bồi thường hơn 16.000 tỉ đồng (hiện đã tăng lên hơn 18.000 tỉ đồng do bị tính lãi). Đến cuối năm ngoái, cơ quan thi hành án mới thu hồi được khoảng 7.000 tỉ.

Sau thông tin bà Hứa Thị Phấn qua đời, câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan đến 2 vụ án trên, đặc biệt là với số tiền bồi thường 11.000 tỉ đồng còn lại?

Về việc này, luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết đối với việc chấp hành án phạt tù (bản án 30 năm tù), khoản 6 Điều 125 Luật thi hành án hình sự 2019 có quy định: "Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ". "Như vậy, trong trường hợp này, theo quy định này, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với bản án của bà Phấn" - luật sư Tiền phân tích.

Về phần trách nhiện dân sự, theo luật sư Tiền, thủ trưởng cơ quan thi hành án cần xem xét, ra quyết định thi hành án cho người thừa kế hoặc đình chỉ thi hành án đối với phần trách nhiệm này. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 54 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2020, nêu rõ: "Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế".

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, nếu bà Hứa Thị Phấn có tài sản để lại và còn người thừa kế thì những người thừa kế của bà phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản của bà. Trong trường hợp bà chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án dân sự theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng theo quy định của pháp luật, người bị kết án còn có thể phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Bởi vậy, đối với các tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản của bị án Phấn đã bị cơ quan tiến hành tố tụng kê biên sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Thi hành án. "Về nguyên tắc, khi một người chết đi có để lại di sản thì di sản đó sẽ thuộc về những người thừa kế, đồng thời những người thừa kế có trách nhiệm phải thanh toán nghĩa vụ do người chết để lại"- luật sư Cường phân tích.

Theo NGUYỄN HƯỞNG

 

Liên kết hữu ích