Báo chí cần được tạo điều kiện tác nghiệp

16/09/2022 - 07:28

 - Ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết, nhằm bảo đảm pháp đình được tôn nghiêm, hoạt động tố tụng thông suốt. Tuy nhiên, có một số quy định trong pháp lệnh còn gây băn khoăn.

Trừ phiên tòa liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật quân sự hoặc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, từ trước đến nay hầu hết phiên tòa đều được mở công khai, người từ 16 tuổi trở lên đều được dự khán. Qua đó, báo chí có thể giám sát, đưa tin hoạt động xét xử của tòa án, góp phần thông tin rộng rãi nhằm răn đe tội phạm, giáo dục pháp luật và phòng ngừa chung. Đây cũng là một trong những chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính… đều quy định về nội quy phiên tòa. Cụ thể, người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng hoặc những người dự khán khác phải tuân thủ nội quy, sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Đây là quy định có giá trị pháp lý cao nhất, mọi quy định ở các văn bản pháp luật thấp hơn (trong đó có pháp lệnh) phải được “dẫn chiếu” từ đây, không được quy định “vượt luật”.

Một phiên tòa xét xử hình sự tại Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định việc ghi âm, ghi hình… Trong Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định, nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử không được sự đồng ý của chủ tọa sẽ bị phạt từ 7-15 triệu đồng (nếu phát trực tiếp thì mức phạt 15-30 triệu đồng). Ngoài ra, pháp lệnh quy định xử phạt nhà báo nếu không xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa. Trong khi đó, Điều 25, Luật Báo chí 2016 quy định “khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Quy định của pháp lệnh dường như chưa thật sự phù hợp với Luật Báo chí.

Đặc biệt, dự thảo quy định, những người có thẩm quyền còn xử phạt nếu nhà báo đưa tin sai sự thật cho rằng cản trở hoạt động tố tụng của tòa án. Trên thực tế, việc nhà báo đưa tin sai sự thật xuất phát từ nhiều lý do, trong đó, chủ yếu là khâu thu thập thông tin chưa đầy đủ, thiếu khách quan, chưa đúng sự thật… Phát hiện tin sai, báo chí sẽ phải cải chính, hoặc/và bị xử phạt theo Nghị định 119/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022). Tựu trung, việc đưa tin sai xuất phát từ thu thập và xử lý thông tin, chứ không nhằm cản trở hoạt động tố tụng. Vì vậy, nếu chỉ vì đưa tin về nội dung vụ án sai mà bị quy buộc “nhằm cản trở hoạt động tố tụng” để bị phạt như quy định trong pháp lệnh là chưa thật sự thỏa đáng…

Việc ban hành pháp lệnh là cần thiết, nhằm bảo đảm hoạt động tố tụng được diễn ra bình thường, đúng quy định. Tuy nhiên, với những điều còn băn khoăn nói trên, thiết nghĩ cơ quan ban hành và thực thi pháp luật cần cân nhắc để hoạt động thông tin, tuyên truyền của báo chí được thông thoáng, nhằm đáp ứng quyền được cung cấp thông tin của người dân.

N.R