Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị, biên soạn dự thảo Nghị quyết.
Việc thí điểm giao Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích phải bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn với các biện pháp bảo vệ theo pháp luật hiện hành, tránh tình trạng “dân sự hóa” quan hệ hình sự, hành chính. Vì thế, quá trình kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ... cần làm rõ hành vi vi phạm có thuộc trường hợp xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự hay không. Qua đó, bảo đảm việc thí điểm đạt mục tiêu tạo lập cơ chế bảo vệ có hiệu quả lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Với thời gian thực hiện ba năm, công tác thí điểm sẽ tiến hành ở Thủ đô Hà Nội, các thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh Quảng Ninh, Đắk Lắk. Dự thảo Nghị quyết sẽ được hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi mở việc chỉ áp dụng thí điểm tại các địa phương đủ điều kiện cần thiết, sau thời gian thí điểm sẽ tiến hành rà soát, tổng kết để xem xét khả năng nhân rộng. Trong quá trình thí điểm, cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố như nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng khởi kiện, thu thập chứng cứ và tham gia tố tụng dân sự.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý công tác phân bổ ngân sách hỗ trợ bảo đảm công tác thí điểm, thiết lập cơ chế giám sát, phối hợp cơ quan liên quan thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác về giám sát nhằm có đánh giá thường xuyên, bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Về các quy định của dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng phạm vi, đối tượng, lĩnh vực áp dụng nhằm bảo đảm phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành cũng như các văn bản pháp luật liên quan.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2024.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tiếp tục chú trọng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục triệt để các bất cập, hạn chế được chỉ ra trong các kỳ giám sát trước đây và năm 2024.
Năm 2025, trong bối cảnh Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, Chính phủ, các bộ, ngành cần nghiêm túc thực hiện và bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025; chủ động nghiên cứu các nội dung cần quy định chi tiết ngay từ quá trình nghiên cứu, dự thảo luật để đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, điều hòa hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết để bảo đảm tiến độ, chất lượng.