Điều cần thiết là đất lúa được sử dụng trồng lúa
Rối rắm việc đứng tên đất
Luật Đất đai năm 2013 được xem có nhiều tiến bộ hơn Luật Đất đai năm 2003 nhưng tồn tại những bất cập chưa được tháo gỡ, nhất là vấn đề về QSDĐ. Cụ thể, tại Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định về “Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ” gồm: (1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ; (2) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng QSDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (3) Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa; (4) Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Trong quy định trên, Khoản 2 được xem là cản trở việc tích tụ ruộng đất, phục vụ sản xuất lớn. Một chủ DN ở xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) cho biết, khi công ty ông muốn mua đất của một số hộ dân xung quanh để mở rộng vùng nguyên liệu chuyên canh lúa Japonica cung ứng hợp đồng xuất khẩu, việc sang tên bị vướng vào tiêu chí “tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng QSDĐ trồng lúa”. “Như vậy làm sao khuyến khích DN đầu tư sản xuất lớn vào nông nghiệp” - chủ DN này bức xúc.
Trong khi đó, Khoản 3 của Điều 191 lại ảnh hưởng đến QSDĐ của công dân. Để cụ thể hóa tiêu chí “không trực tiếp sản xuất nông nghiệp”, tại Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quy định 4 đối tượng không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa gồm: đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu; đối tượng nghỉ mất sức lao động và đối tượng thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.
Anh L.T.T (xã Vĩnh An, Châu Thành, An Giang) cho biết, bản thân anh là công chức ở huyện, còn vợ là giáo viên. Ngoài thời gian làm việc, cuối tuần anh cũng chăm sóc ruộng phụ gia đình. “Ba tôi đã mất, mẹ tôi còn 20 công đất ruộng (2ha), muốn sang tên cho vợ chồng tôi để canh tác lâu dài nhưng khi làm thủ tục, ở xã nói vợ chồng tôi đều “hưởng lương thường xuyên”, không thuộc đối tượng “trực tiếp sản xuất nông nghiệp” nên không được đứng tên đất lúa. Đây là điều bất hợp lý bởi nếu sau này mẹ tôi mất, sẽ phát sinh nhiều rối rắm trong sang tên đất” - anh T. giãi bày.
Tương tự, ông T.H.A (xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn, An Giang) là công chức ở tỉnh, định mua 10 công đất lúa của người quen ở quê để có thêm nguồn thu nhập và “dưỡng già” khi về hưu. “Tuy nhiên, do đang “hưởng lương thường xuyên” nên tôi không thể đứng tên nhận chuyển nhượng QSDĐ, mà nhờ người khác đứng tên lại không ổn” - ông A. chia sẻ.
Cần tháo gỡ
Theo Khoản 30, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì có 2 điều kiện để xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, gồm “đã được giao, cho thuê, công nhận hoặc nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp” và “có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”.
Quy định này gây cách hiểu và áp dụng khác nhau ở các địa phương. Ví dụ như 1 cá nhân ở xã A đang thuê đất canh tác lúa ở xã B, muốn mua mảnh đất này thì việc xác nhận “đã được cho thuê đất nông nghiệp” ở UBND xã nơi có đất (xã B) sẽ dễ dàng, tuy nhiên muốn có giấy xác nhận “có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó” tại nơi cư trú (xã A) thì không hề dễ.
Như vậy, khi có tiền, muốn mua đất canh tác lúa khác nơi mình cư trú cũng gặp vướng mắc, phiền toái. Riêng tiêu chí “không thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên” để khống chế trường hợp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ là rất bất hợp lý bởi đối tượng này rất rộng. Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mà những người lao động bình thường ở các DN, hộ sản xuất được trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cũng bị tước mất quyền đứng tên trên đất, bất kể là đất cha mẹ cho hay họ tự mua được.
Theo các chuyên gia, việc cấm các hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp được chuyển nhượng đất trồng lúa theo Luật Đất đai năm 2013 là nhằm mục đích bảo vệ quỹ đất trồng lúa, mong muốn đất trồng lúa chỉ do người nào trực tiếp canh tác nắm giữ. Tuy nhiên, đây là cách hiểu rất hạn chế, nhất là khi nhà nước khuyến khích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Quy định về hạn chế đối tượng đứng tên đất cũng không cần thiết bởi quan trọng nhất là đất phải được sử dụng đúng mục đích, chứ không phải ai đứng tên. Ví dụ, 1 công chức, viên chức hay DN mua đất lúa nhưng thuê nông dân canh tác thì đất vẫn sản xuất ra lúa. Khi muốn chuyển mục đích sử dụng, người đứng tên phải xin phép cơ quan chức năng, mà quá trình chuyển đổi đã được pháp luật quy định rất chặt chẽ nên không lo mất diện tích đất lúa.
HOÀNG XUÂN