Cử tri Italy bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Rome. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là kỳ bầu cử quan trọng hàng đầu tại châu Âu trong năm 2018 và cũng là kỳ bầu cử khó dự đoán nhất tại Italy trong nhiều năm qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, có hơn 46,5 triệu cử tri Italy đủ tư cách đi bỏ phiếu để bầu ra 630 hạ nghị sỹ và 315 thượng nghị sĩ tại hơn 61.500 điểm bầu cử trên khắp cả nước. Cử tri đi bầu hạ viện là những công dân Italy từ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó, công dân Italy từ 25 tuổi trở lên mới có quyền đi bầu thượng viện, với số lượng ước tính gần 43 triệu cử tri.
Luật bầu cử mới quy định 37% số nghị sĩ ở cả hai viện sẽ được bầu theo cơ chế ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu bầu sẽ thắng cử. Số còn lại được bầu theo cơ chế đại diện theo tỷ lệ thông qua danh sách ứng cử viên của các đảng. Mỗi đảng đơn lẻ cần phải giành được ít nhất 3% số phiếu bầu mới có ghế tại quốc hội, trong khi mức này đối với liên minh các chính đảng là 10%.
Kết quả thăm dò sau bỏ phiếu sẽ được công bố ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 23h ngày 4-3. Quá trình kiểm phiếu dự kiến sẽ được hoàn tất vào khoảng 2h chiều 5/3 theo giờ địa phương. Tuy nhiên, các kết quả kiểm phiếu chính thức sơ bộ đầu tiên có thể được công bố vào sáng 5-3.
Trước đó, ngày 2-3, hoạt động tranh cử của các đảng đã kết thúc tại nhiều địa điểm khác nhau ở Italy. Các lực lượng chính trị chủ chốt ở Italy, gồm liên minh cánh tả của cựu Thủ tướng Matteo Renzi, liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) của ông Luigi Di Maio, đã tận dụng những ngày cuối cùng trong đợt vận động tranh cử để lôi kéo lá phiếu của những cử tri còn do dự.
Cử tri Italy được cho là ít quan tâm tới các chương trình vận động tranh cử, bởi phần lớn họ tin rằng những cam kết trước bầu cử của các chính đảng sẽ khó thực hiện được. Do vậy, trong kỳ bầu cử năm nay, số lượng cử tri Italy không tham gia bỏ phiếu dự báo sẽ lên tới 12 triệu người (hơn 25%). Trong cuộc bầu cử năm 2013, lượng cử tri đi bỏ phiếu cũng chỉ đứng ở mức 75,19%, mức thấp nhất kể từ năm 1946.
Tình trạng phân rã chính trị hiện nay của các chính đảng ở Italy, cùng luật bầu cử mới rất phức tạp được quốc hội nước này thông qua hồi cuối tháng 10-2017 và một số lượng lớn cử tri vẫn còn do dự (khoảng 15%) hoặc không tham gia bỏ phiếu khiến kết quả cuộc bầu cử lần này trở nên đặc biệt khó dự đoán.
Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích đều nhận định sẽ không có chính đảng hoặc liên minh chính đảng nào có thể giành đủ đa số phiếu bầu cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ, dẫn đến các chính đảng phải liên minh với nhau sau bầu cử.
Theo TTXVN/Báo Tin tức