Brexit: Nước cờ quyết định hay 'kế hoạch đổ vỏ'?

03/10/2019 - 18:22

Thủ tướng Anh Boris Johnson bước ra khỏi hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ cầm quyền ngày 2-10 với những tràng pháo tay vang dội thể hiện sự ủng hộ của các đại biểu với tư tưởng quyết thực hiện tới cùng nguyện vọng đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) của hơn 50% cử tri quốc gia này trong cuộc trưng cầu dân ý hơn 3 năm trước.

Có lẽ sức nóng từ cuộc họp ở Manchester đã tiếp sức cho ông công bố kế hoạch Brexit mới với lời tuyên bố đanh thép: một là kế hoạch này, hai là Brexit không thỏa thuận.


 Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại hội nghị của đảng Bảo thủ tại Manchester, Tây Bắc Anh ngày 2-10-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Kế hoạch Brexit mới có trọng tâm đặt vào vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland, bài toán hóc búa ngay từ những ngày đầu tiến trình đàm phán Brexit khởi động tháng 3-2017. Làm sao để nước Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu, độc lập về hải quan và thuế quan với phần còn lại của EU mà vẫn đảm bảo không có một điểm kiểm soát biên giới nào giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland như đã nêu trong hiệp ước "Ngày thứ Sáu tốt lành".

Trong thỏa thuận Brexit cuối năm 2018, giải pháp tháo gỡ vấn đề này là điều khoản "chốt chặn" để Anh tuân thủ các quy định thuế quan của EU thời hậu Brexit cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại. Những người ủng hộ Brexit lập tức phản đối giải pháp mà họ cho là "sự ra đi nửa vời" và kết quả là thỏa thuận trên 3 lần bị Hạ viện Anh bác bỏ, Brexit bị trì hoãn 2 lần và cựu Thủ tướng Theresa May tuyên bố từ chức.

Kế nhiệm bà May với cam kết thực hiện Brexit bằng mọi giá vào ngày 31-10 tới, Thủ tướng Johnson ngay từ đầu đã kêu gọi loại bỏ giải pháp này kể cả khi EU luôn bảo vệ đây là giải pháp "duy nhất" và chỉ xem xét khi Anh đưa ra đề nghị phương án thay thế hiệu quả, đảm bảo mọi mục tiêu của điều khoản kể trên. Ông Johnson đã tung ra "nước cờ quyết định" là một kế hoạch mới với những nội dung được đánh giá là táo bạo hơn những gì từng được dự báo.

Đề xuất mới bao gồm những điểm chính như thiết lập vùng quản lý chung cho toàn bộ đảo Ireland, với tất cả các loại hàng hóa kể cả nông sản, đồng nghĩa với việc Bắc Ireland sẽ tuân thủ các quy định hàng hóa của EU để đảm bảo hai miền trên đảo Ireland được áp dụng quy định chung, giúp loại bỏ việc kiểm tra hàng hóa thông thương qua biên giới. Như vậy, một số ngành kinh tế của Bắc Ireland sẽ chịu sự quản lý của những điều luật mà chính quyền hay cơ quan lập pháp vùng này không có quyền tác động.

Do đó, kế hoạch của Thủ tướng Johnson đề xuất cơ quan lập pháp và chính quyền Bắc Ireland nên có cơ hội được xem xét và thông qua những dàn xếp trên trước khi chính thức có hiệu lực, trong giai đoạn chuyển tiếp (kết thúc vào tháng 12-2020), cũng như xem xét gia hạn theo chu kỳ 4 năm một lần, nếu không mọi dàn xếp đều thất bại. Đây được coi là điểm mấu chốt có thể giúp kế hoạch mới nhận được sự ủng hộ tại Anh bởi các nghị sĩ Anh luôn lo ngại điều khoản "chốt chặn" không giới hạn thời gian thực thi cụ thể sẽ khiến London "quay quanh quỹ đạo EU" mãi mãi. Còn đảng Hợp nhất dân chủ vùng Bắc Ireland (DUP) thì chấp thuận vì họ được trao quyền phủ quyết.

Tuy nhiên, điều này có thể quá sức nhượng bộ của EU và CH Ireland, vì DUP nắm giữ thế đa số vững chắc trong cơ quan lập pháp vùng Bắc Ireland nên có thể dễ dàng chặn những dàn xếp mà họ không mong muốn, trong khi Chính phủ CH Ireland từng khẳng định sẽ không chấp nhận cho DUP quyền phủ quyết rõ ràng.

Về cơ bản, dàn xếp này cho phép toàn bộ Vương quốc liên hiệp Anh rời Liên minh thuế quan EU vào cuối giai đoạn chuyển tiếp và cho Anh quyền tự quyết các chính sách thương mại trong tương lai, một nội dung "rất được lòng" phe ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, nội dung kế hoạch lại chưa nêu cơ chế thực hiện cụ thể và có thể áp dụng ngay.

Cũng theo kế hoạch, hai bên đều phải cam kết không kiểm tra tại biên giới. Phía Anh khẳng định sẽ không bao giờ dựng các điểm kiểm soát hiện hữu tại biên giới trên đất liền duy nhất với EU. Tất cả các quy trình hải quan để đảm bảo tuân thủ cơ chế hải quan của EU và Anh sẽ được thực hiện trên nguyên tắc "phi tập trung", trong đó các loại giấy tờ được thực hiện với sự hỗ trợ của các hệ thống điện tử khi hàng hóa lưu thông giữa Anh và CH Ireland. Một số hoạt động kiểm tra thực chất sẽ được thực hiện ngay tại cơ sở của các nhà giao dịch thương mại và những địa điểm khác trong chuỗi cung ứng. Đây được cho là phần nội dung nhằm xoa dịu lo ngại của CH Ireland về sự hình thành biên giới cứng với Anh.

Phản ứng đầu tiên từ EU được cho là không thực sự "tích cực". Nhiều quan chức EU tỏ ra thận trọng và cam kết sẽ tiếp tục đàm phán, nhưng nhìn chung hầu hết đều lo ngại kế hoạch này đẩy CH Ireland vào nguy cơ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chia sẻ quan ngại với Thủ tướng Johnson về kế hoạch mới trong cuộc điện đàm ngay sau đó. Ông Junker chỉ ra những điểm có vấn đề, đặc biệt là cơ chế hải quan "phi tập trung" và việc kế hoạch có thời hạn áp dụng, điều mà EU từng bác bỏ trước đó. Nhưng ông Juncker cũng nhận định "có những tiến bộ tích cực" trong đề xuất của Anh, nhấn tới nội dung vùng quản lý chung cho toàn đảo Ireland và việc kiểm soát hàng hóa từ các vùng còn lại của Anh vào Bắc Ireland.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cũng hoan nghênh đề xuất mới một cách dè dặt, cho rằng hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm. Từ Dublin, Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar tỏ ra hoài nghi và cho rằng các đề xuất của London không đáp ứng những tiêu chuẩn giúp duy trì dòng chảy hàng hóa và đường biên giới mở trên đảo Ireland song vẫn khẳng định sẽ nghiên cứu kỹ hơn văn bản đề xuất chính thức.

Trong khi đó, tại Anh, nghị sĩ Steve Baker, lãnh đạo nhóm nghị sĩ ủng hộ Brexit của đảng Bảo thủ hoan nghênh đề xuất là một "bước khởi đầu tuyệt vời" nhưng thiếu bức tranh toàn cảnh, đặc biệt là việc kế hoạch tập trung nhiều vào vấn đề biên giới mà không nhắc nhiều tới quan hệ thương mại song phương. Lãnh đạo Công đảng đối lập chỉ trích kế hoạch mơ hồ và sẽ không được EU chấp thuận.

Lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farrage thì cho rằng kế hoạch này chẳng khác nào "đặt đầu vào miệng cá sấu" rồi hy vọng điều tốt lành nhất. Theo ông này, ngoài từ ngữ thì không có điều gì đảm bảo toàn bộ Anh sẽ rời khỏi liên minh thuế quan và mọi thỏa thuận thương mại trong tương lai đều cần thiện chí từ phía EU. Cố vấn các vấn đề EU cho cựu Thủ tướng May, ông Raoul Ruparel cho rằng kế hoạch mới nhiều khả năng sẽ không được EU ủng hộ và nó chỉ là một pha ngẫu hứng tiếp theo trong "trò chơi mèo vờn chuột" giữa hai bên để đổ lỗi cho bên kia nếu Brexit trì hoãn hoặc bầu cử sớm diễn ra tại Anh.

Kế hoạch của Thủ tướng Johnson liệu cuối cùng có khả thi hay không, sẽ chỉ rõ ràng trong vài ngày tới khi các nhà đàm phán hai bên gặp gỡ và thảo luận. Ông Juncker cam kết EU sẽ nghiên cứu đề xuất trên tinh thần hướng tới một thỏa thuận Brexit, trong khi trưởng đoàn Brexit của EU khẳng định đội đàm phán sẽ nỗ lực tối đa vì một Brexit có thỏa thuận. Thủ tướng Anh cảnh báo hai bên chỉ có thời gian từ nay tới ngày 11-10 để phác thảo những điểm chính của một thỏa hiệp có thể đưa ra thống nhất trong Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18-10 tới.

Ông nhấn mạnh "phương án B" cho kế hoạch này luôn là Brexit không thỏa thuận. Hiện vẫn chưa rõ ông Johnson sẽ đưa nước Anh ra khỏi EU như thế nào khi mà chưa chắc hai bên cuối cùng có thể thỏa hiệp, và luật pháp Anh thì yêu cầu ông phải trì hoãn Brexit nếu hai bên không đạt thỏa thuận. Tuy nhiên, xét khoảng thời gian hơn 2 tháng lên cầm quyền với đầy sóng gió và những thất bại tại hạ viện, cho tới lúc này vị lãnh đạo mới của Anh chưa một lần tỏ ra nao núng trong kế hoạch thúc đẩy Brexit của mình.

Nhìn chuyển biến tại EU từ lúc kiên quyết từ chối đàm phán lại thỏa thuận đã ký, tới khi liên tục chỉ trích Anh chưa đưa ra đề xuất nào khả quan và hiện nay đã chấp nhận thảo luận, cân nhắc kế hoạch của Thủ tướng Johnson, thì người ta vẫn còn hy vọng "năng lượng Brexit" từ ông Johnson ở chừng mực nào đó "có thể làm nên chuyện".

Theo LÊ ÁNH (TTXVN)