Nếu thắng ông sẽ nhanh chóng đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu nhưng nếu thua, chiếc ghế thủ tướng của ông sẽ khó mà giữ được và “cuộc chia tay” mang tên Brexit của nước Anh không biết chừng nào mới dứt.
Thủ tướng Boris Johnson
Ngày 24-11-2019 tại Telford (miền trung nước Anh) Thủ tướng Boris Johnson công bố kế hoạch của mình trong trường hợp chiến thắng cuộc bầu cử nghị viện ngày 12/12 tại Vương quốc Anh. Theo đó, ưu tiên đầu tiên là Brexit, sau đó là cải thiện đời sống cho người dân Anh. Đối với ông Johnson, cuộc bầu cử quốc hội lần thứ ba trong vòng 4 năm qua này là cách duy nhất thoát khỏi bế tắc Brexit, vốn chia rẽ đất nước kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Từ nhiều năm qua, nhiều chính phủ Anh đã đưa ra các kiểu đề xuất, kế hoạch… về Brexit, thậm chí đã đàm phàn xong với Liên minh châu Âu về các điều khoản trong thỏa thuận rút khỏi khối này. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, nghị viện Anh hoặc bác bỏ hoặc yêu cầu chính phủ phải điều chỉnh lại một số điều, rồi xin lùi thời hạn rút khỏi EU như đã ấn định. Lần gần đây nhất, ngày 28/10, Liên minh châu Âu đã chấp thuận cho Anh thêm ba tháng để chuẩn bị, tức là tới ngày 31/1/2020. Đây là lần thứ ba, Bruxelles đồng ý dời ngày ly dị với Luân Đôn.
Chính sự giằng co mãi giữa các đảng trong nghị viện Anh đã khiến bà Theresa May từ chức thủ tướng. Khi ông Boris Johnson lên thay, tình trạng tương tự vẫn tiếp diễn. Bị một nghị viên kiên quyết chọc gậy bánh xe với ý muốn làm chậm trễ càng lâu càng tốt tiến trình Brexit, ông Boris Johnson đã cạn kiệt giải pháp, ông kêu gọi bầu cử nghị viện với hy vọng sẽ giành đa số ghế để dễ dàng thông qua bản thỏa thuận mà ông đã đàm phán với Brussels.
Trong bài phát biểu ngày 24/11, ông Johnson hứa sẽ "tặng quà Giáng sinh sớm" cho cử tri nếu ông giành chiến thắng: đưa dự thảo luật về thỏa thuận rút khỏi Liên minh châu Âu ra nghị viện ngay tháng tới. "Sau đó chúng tôi có thể giải quyết tất cả những điều này trong vài ngày hoặc vài tuần và chúng ta sẽ ra khỏi EU trước ngày 31/1/2020", ông nói.
Các nghị sĩ Anh dự kiến sẽ bắt đầu phiên họp khóa mới vào ngày 17/12 tới, điều này cũng đồng nghĩa với việc thỏa thuận chia tay sẽ rất khó có thể kịp thông qua trước Giáng sinh. Tuy nhiên, với thông báo mới nhất này, Thủ tướng Boris Johnson một lần nữa cho thấy quyết tâm đưa nước Anh rời EU trong thời gian sớm nhất.
Ngoài vấn đề Brexit, trong kế hoạch tranh cử ngày 24/11, ông Johnson cam kết với cử tri sẽ biến Vương quốc Anh thành "nơi tốt nhất trên trái đất" với "đường phố an toàn hơn" và "không khí sạch hơn" nếu họ dành cho ông đa số phiếu và loại bỏ đối thủ Jeremy Corbyn, nhà lãnh đạo Công đảng, đảng đối lập chính. Ông cũng hứa hẹn sẽ cử thêm 20.000 cảnh sát xuống đường phố, thêm 50.000 y tá vào các bệnh viện và rót hàng tỷ bảng Anh vào dịch vụ công cộng, tất cả đều không tăng thuế hay VAT. Các chuyên gia đặt nghi vấn về việc ông Johnson sẽ đào đâu ra số tiền để tài trợ cho các dự án này. "Đảng bảo thủ của ông Johnson cần làm rõ cách họ lên kế hoạch để đạt được mục tiêu chi tiêu cao mà không tăng thuế, nợ công hay cả hai", Mark Littlewood, Giám đốc điều hành của Viện Kinh tế Anh cho biết.
Đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson đang dẫn đầu mọi cuộc thăm dò dư luận, với tỷ lệ ủng hộ đạt 40%, cao hơn 10% so với Công đảng đối lập. Tuy nhiên, kết quả bầu cử sắp tới tại Anh vẫn là khó dự đoán và các nhà bình luận chính trị đều cho thấy sự thận trọng. Theo chuyên gia Muriel Delcroix, cuộc bầu cử không phải là không nguy hiểm đối với ông Johnson, cho dù Thủ tướng Anh vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Chắc hẳn ông Johnson cũng hoàn toàn lường trước được tình huống thất bại, chẳng hạn như tổng tuyển cử dẫn tới một quốc hội treo, khi đó các đảng đối lập có thể sẽ hợp sức, gây trở ngại nhiều hơn cho tiến trình Brexit bằng cách tổ chức trưng cầu ý dân lần thứ hai.
Cuộc bầu cử nghị viện trước thời hạn chớp nhoáng này, với vỏn vẹn 5 tuần lễ vận động vào mùa đông lạnh giá quả là không lý tưởng chút nào, nhưng sẽ cho phép tất cả các đảng có cơ may thay đổi cục diện chủ đề áp đảo của thời sự là vấn đề Brexit.
Được thêm uy tín vì đã thành công trong việc thương lượng lại thỏa thuận chia tay và dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, Thủ tướng Anh sẽ đặt lời hứa thực hiện Brexit vào trọng tâm cuộc vận động tranh cử, ngược lại với Công đảng của ông Jeremy Corbyn. Ông này sẽ cố áp đặt chương trình xã hội, vốn đã giúp ông thành công trong cuộc bầu cử 2017.
Tuy nhiên đối với cả Đảng Bảo thủ lẫn Công đảng, đây cũng là một cuộc đánh cược nguy hiểm. Họ sẽ phải đối đầu không khoan nhượng để duy trì hay giành thêm ghế, trước một bên là Đảng Dân chủ tự do và đảng muốn độc lập cho Scotland với thông điệp rõ ràng ủng hộ châu Âu, và bên kia là đảng dứt khoát đòi Brexit của Nigel Farage, chủ trương ra khỏi châu Âu mà không cần thỏa thuận. Và chính đối thủ đáng gờm này, đại diện cho những người ủng hộ Brexit đang mệt mỏi, bực tức, sẽ ra sức nêu bật kẽ hở của những đảng không tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý và đưa đất nước vào tình trạng tê liệt.
Với cuộc bầu cử nghị viện trước thời hạn, nước Anh cùng tiến trình Brexit lại tiếp tục đứng trước một ngã rẽ mới. Hiện mọi sự chú ý đều đổ dồn vào chiến dịch tranh cử gấp rút ngay trước thời điểm nghỉ lễ cuối năm cùng cuộc bầu cử mang tính quyết định tương lai quan hệ Anh-EU. Song tất cả phải kiên nhẫn chờ đợi sau ngày 12/12 tới, mọi thứ mới rõ ràng.
Ngày 13/11, phát biểu tại một hội nghị các lãnh đạo trẻ của EU tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi các cử tri Anh phản đối Brexit không nên từ bỏ hy vọng và có thể tận dụng cuộc tuyển cử sắp tới tại Anh để thay đổi tình thế. Theo ông Tusk, việc Vương quốc Anh quyết định tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 12/12 có thể xem là thời gian bù giờ của một trận đấu mà ở đó, các cử tri Anh quốc phản đối Brexit có thể tận dụng. Lý giải về động thái can thiệp vào công việc nội bộ của Vương quốc Anh, ông Donald Tusk cho rằng việc sắp kết thúc nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho phép ông nói ra những suy nghĩ thật của mình.
Theo PetroTimes