Đi chợ từ mờ sáng, cặm cụi rửa chén, nấu ăn, nhưng từng thành viên tham gia hoạt động đều rất tích cực, vui vẻ.
Trong gian bếp của Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên (An Giang) đại úy Nguyễn Thị Diễm Phương (Phòng Tham mưu Công an tỉnh) vừa cắt bông cải, vừa chia sẻ: “Tôi thường xuyên nấu ăn cho người thân trong gia đình. Nhưng lần nấu ăn này lại cho hàng trăm người, cần chú ý nêm nếm, chế biến tốt hơn.
Nấu ăn xong, chúng tôi phục vụ các cụ già, trẻ nhỏ ở trung tâm ăn uống, rồi dọn dẹp hoàn tất mới trở về nhà. Đối với tôi, hạnh phúc là được sống vui vẻ, làm những việc ý nghĩa, mang lại lợi ích và niềm vui cho người khác. Vì vậy, tôi rất thích tham gia những hoạt động xã hội như thế này”.
Đến trưa, mọi người quây quần bên bàn ăn, với món xào, canh rau củ và thịt ram. Đặc biệt là sự chăm sóc ân cần của những “nhà hảo tâm” áo xanh. Bữa cơm ấy chất chứa rất nhiều tình cảm. Họ ngồi với nhau như một gia đình, cùng ăn cơm, trò chuyện… để nắm bắt niềm vui thực tại, tạm quên gia cảnh bất hạnh của chính mình.
Ông Trần Văn Vân (82 tuổi) đã từng có 1 căn nhà và người thân, nhưng không may, vợ ông mất, họ lại không có mụn con nào. Ông được chăm sóc ở trung tâm 16 năm nay, xem trung tâm như mái ấm của mình.
Bà Liên Thị Hai (68 tuổi, quê ở Sóc Trăng), mấy mươi năm trước theo chồng về Long Xuyên. Hoàn cảnh khó khăn, 1 đứa con của bà bị bệnh tim, đứa chưa đi làm.
Thấy 2 con đều vất vả, còn nặng gánh lo cho cháu, 1 năm nay, bà tự nguyện xin vào trung tâm để tránh trở thành gánh nặng cho con. Thời gian trôi qua, dù đã quen với nếp sinh hoạt đầm ấm nơi đây, nhưng bữa cơm này vẫn làm họ xúc động.
“Hôm nay, tôi ăn ngon miệng, tâm trạng vui lắm. Chắc do có các cháu bầu bạn, hỗ trợ từ sáng. Đối với người không còn gia đình như tôi, được quan tâm vậy đã đủ mãn nguyện”, bà Hai nói.
Còn tại Bệnh viện Tim mạch, Sản- Nhi và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, các hội viên, đoàn viên phối hợp cơ sở nhân đạo Bệnh viện Sản - Nhi An Giang loay hoay nấu cơm chay. Sau đó, cùng nhau đẩy xe phục vụ lưu động đến trước cổng. Hàng trăm người thân, bệnh nhân đã chờ sẵn.
Bà Nguyễn Thị Thê (61 tuổi, ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) được nhận phần cơm gồm: canh chua, đậu hũ, dưa muối. Bà Thê chia sẻ: “Phần ăn này tôi xin cho mình. Chồng tôi phát bệnh đột ngột, được đưa vào bệnh viện 3 ngày nay. Không có bảo hiểm y tế, chi phí nằm viện, thuốc men phát sinh quá nhiều. Bởi vậy, ngày nào tôi cũng ra xin cơm từ thiện. Tiền mang theo, tôi để dành mua đồ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa cho ổng”.
Trong khi đó, bà Trần Thị Ngọc (66 tuổi, ngụ thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) lại rời phòng bệnh, tự đi nhận cơm từ thiện. “Tôi bị chẩn đoán thiếu Kali, tay chân tê mỏi, thường xuyên mệt. Thấy không ổn, vợ chồng tôi ráng đi xe bus xuống bệnh viện điều trị. Khổ nỗi, ổng cũng hơn 70 tuổi, đâu có sức đi lại. Thành ra, tôi ráng đi xin một ít cơm, miếng đậu hũ. Một phần vì ăn không nhiều, phần khác tôi muốn chia sẻ cùng những người khó khăn khác. Bữa cơm từ thiện mà mình lấy nhiều quá, ăn không hết bỏ lãng phí, trong khi người khác thiếu ăn”.
Khi tôi hỏi họ “có cảm nghĩ gì trong ngày Hạnh phúc?”, họ đều ngẩn người, trả lời rất đơn giản: “Hạnh phúc là mình và gia đình được khỏe mạnh, bình an, được ăn bữa cơm do chính mình nấu trong căn nhà ấm cúng. Còn hiện tại, được nhà hảo tâm chia sẻ phần cơm trong lúc khốn khó, đã là hạnh phúc lắm rồi”.
Buổi sáng 20-3, các phần cơm đã đến với hàng trăm mảnh đời bất hạnh. Chỉ trị giá 25.000 đồng/phần, nhưng đó là tấm chân tình, thơm thảo của các chị em Hội Phụ nữ và đoàn viên Công an tỉnh, là sự chia sẻ đầy tính nhân văn.
Thiếu tá Nguyễn Châu Ái, Chủ tịch Hội Phụ nữ (Công an tỉnh) bày tỏ: “Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức của hội viên, đoàn viên trong Công an tỉnh về ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, bằng những hoạt động mang tính thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức.
Từ đó, mỗi hội viên, đoàn viên sẽ có hành động cụ thể, thiết thực trong xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Mặt khác, hoạt động cũng kỳ vọng phát huy tinh thần tình nguyện của đoàn viên, hội viên Công an tỉnh trong thực hiện công tác tình nguyện xã hội”.
Hạnh phúc chẳng gì xa vời, chỉ là nụ cười ấm áp trên môi và cảm nhận được tấm lòng yêu thương nhau.
Phát cơm chay cho bệnh nhân và thân nhân tại Bệnh viện Tim mạch
Bữa cơm tại Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG