Bước thụt lùi của quan hệ Mỹ-Triều

12/06/2020 - 19:43

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tròn 2 năm trước tại Singapore đã được ca ngợi là sự kiện lịch sử, khi lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ ngồi cùng bàn với nhà lãnh đạo Triều Tiên và hai bên ra tuyên bố chung hướng tới xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tròn 2 năm trước tại Singapore đã được ca ngợi là sự kiện lịch sử, khi lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ ngồi cùng bàn với nhà lãnh đạo Triều Tiên và hai bên ra tuyên bố chung hướng tới xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore ngày 12-6. Ảnh: YONHAP/ TTXVN

Tuy nhiên, 2 năm sau đó, Tuyên bố Singapore được các nhà lãnh đạo ký tại cuộc gặp dường như vẫn chỉ là trên giấy, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa tìm thấy lối thoát.

Có thể nói rằng thái độ hoài nghi đang bao trùm quan hệ Mỹ- Triều sau 2 năm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử. "Câu hỏi đặt ra là liệu có cần duy trì những cái bắt tay ở Singapore" - Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Son-gwon công khai tuyên bố như vậy ngày 12-6, kèm theo thông báo rằng Bình Nhưỡng sẽ thúc đẩy việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuyên bố trên được coi là "thông điệp cứng rắn" nhất của Bình Nhưỡng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-6-2018, phần nào cho thấy Triều Tiên đang mất hy vọng và kiên nhẫn vì cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ vẫn bế tắc sau "bước ngoặt lịch sử" ở Singapore, và dù đã có thêm hai cuộc gặp trực tiếp nữa giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 2 và tháng 6 năm ngoái.

Cách đây 2 năm, tại Singapore, Tổng thống Mỹ đã cam kết với nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố chung sau cuộc gặp nêu rõ hai bên nhất trí hợp tác để thiết lập quan hệ mới, xây dựng thể chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và hồi hương hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Sau cuộc gặp này, Triều Tiên đã ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, phá bỏ cơ sở thử hạt nhân chính, và trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ… góp phần tạo không khí tích cực cho các bước “xích lại gần nhau” tiếp theo. Tuy nhiên, đã qua hạn chót cuối năm 2019 mà ông Kim Jong-un đặt ra để hai bên đạt một tiến triển mới nào đó trong đàm phán hạt nhân, nhưng mọi chuyện vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Trong tuyên bố ngày 12/6, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh tới việc Washington đang "lờ đi" cam kết tại Singapore. Trên thực tế, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội tháng 2/2019, hai bên hầu như không đạt tiến triển nào trong đàm phán thực hiện thỏa thuận hạt nhân. Bất đồng mấu chốt khó hóa giải giữa hai bên về các bước đi phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington, khiến các cuộc đàm phán hầu như đi vào ngõ cụt. Khi Mỹ chẳng những không dỡ bỏ lệnh cấm vận các mà còn siết chặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, như một cách gây sức ép đối với quốc gia Đông Bắc Á, Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ "đang tìm cách câu giờ" nhằm buộc Triều Tiên duy trì đối thoại thay vì đưa ra nhượng bộ. 

Việc Triều Tiên nối lại các vụ thử vũ khí từ quý II năm 1919 chính là những động thái bày tỏ thái độ phản ứng với chính sách của Mỹ, đồng thời cũng "gây sức ép ngược" để Mỹ thực hiện cam kết hạt nhân. Từ góc độ của Triều Tiên, có thể thấy rằng một khi các lệnh cấm vận nghiêm ngặt vẫn chưa được dỡ bỏ, kinh tế nước này sẽ chịu tổn thất nặng nề, nhất là khi năm ngoái, Triều Tiên đã phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 37 năm, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực. Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ước tính khoảng 10,1 triệu người dân Triều Tiên, chiếm 40% tổng dân số, đang cần được hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, hoạt động giao thương với Trung Quốc, đối tác hàng đầu của Triều Tiên, cũng gần như bị ngưng trệ. Thương mại với Trung Quốc trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua sụt giảm tới 90% do việc đóng cửa biên giới suốt gần 5 tháng nhằm phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19.  

Về phía Mỹ, dù tuyên bố "vẫn duy trì cam kết thực thi thỏa thuận", song những hành động cụ thể của Washington dường như lại cho thấy một cách tiếp cận khác: gia tăng sức ép trừng phạt để buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ngoài trừng phạt, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực nếu Triều Tiên “vượt quá giới hạn”. Thực tế thì từ nửa cuối năm 2019, quan hệ Mỹ - Triều thực sự trở lại trạng thái căng thẳng khi hai bên liên tục cảnh báo, răn đe lẫn nhau.

Cuối năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó đề xuất đưa ra khỏi danh sách trừng phạt của LHQ các dự án hợp tác đường bộ và đường sắt liên Triều, xuất khẩu thủy sản và dệt may của Triều Tiên, để khuyến khích đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, tạo điều kiện cho hướng đi ngoại giao. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng phần nào cản trở những nỗ lực ngoại giao để đưa quan hệ Mỹ-Triều Tiên trở lại lộ trình đối thoại. 

Một số chuyên gia nhận định hai bên sẽ duy trì trạng thái quan hệ hiện nay trong ngắn hạn. Giáo sư Yang Moo-jin của trường Đại học Triều Tiên ở Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không có động thái gì cho đến tháng 11 tới, khi nước Mỹ có tổng thống mới và tận dụng quãng thời gian này để vạch ra những chiến lược đối phó với nước Mỹ giai đoạn hậu bầu cử. Trưởng nhóm nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc (KINU), Hong Min cho rằng: "Việc Triều Tiên thành lập một đơn vị chuyên trách về đàm phán với Mỹ là một tín hiệu rất quan trọng. Đó là một thông điệp không chỉ gửi cho ông Donald Trump mà là cả ông Joe Biden. Điều này có nghĩa là Bình Nhưỡng coi các cuộc đàm phán với Washington là một vấn đề được duy trì trong dài hạn chứ không phải vấn đề có thể từ bỏ nếu không đạt được thành quả”. 

Trong bối cảnh nước Mỹ đang đương đầu với cuộc khủng hoảng kép do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành tác động nghiêm trọng tới kinh tế, cũng như tình trạng bất ổn xã hội liên quan tới làn sóng biểu tình bạo lực thời gian gần đây, vấn đề Triều Tiên có vẻ cũng không nằm trong ưu tiên đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, người đang bước vào giai đoạn tranh cử quyết liệt cho cuộc bầu cử tháng 11 tới. Giới chuyên gia nhận định quan hệ Mỹ- Triều nói riêng và việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ khó có đột phá ít nhất là cho tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.  

Trong tuyên bố Singapore ngày 12-6-2018, lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã khẳng định rằng việc xây dựng lòng tin lẫn nhau có thể thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, diễn biến mối quan hệ giữa hai bên đang cho thấy một "bước thụt lùi" của thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Triều khi mà hai bên rõ ràng đang nghi kỵ lẫn nhau. Mặc dù có lẽ hai bên cùng ý thức rằng việc trở lại nguyên trạng “thùng thuốc súng chờ nổ” như hồi năm 2017 chắc chắn sẽ không có lợi cho cả Mỹ và Triều Tiên, song để vượt qua sự hoài nghi hiện nay, cần "cú hích" mới của sự thiện chí từ cả Washington lẫn Bình Nhưỡng, cũng như vai trò trung gian tích cực của các bên có lợi ích liên quan.

Theo BẠCH DƯƠNG (TTXVN)