Khói bốc lên từ một nhà máy ở Berre-l'Etang, Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bộ trưởng nông nghiệp các nước EU đã thông qua lần cuối đối với chính sách trên tại một cuộc họp ở Brussels. Theo đó, luật có thể có hiệu lực ngay lập tức. Chỉ riêng Hungary bỏ phiếu chống.
Nhập khẩu chiếm hơn 80% lượng dầu và khí đốt tiêu thụ ở EU, do đó các nhà lập pháp nhất trí đặt ra các yêu cầu đối với dầu, khí đốt và than nhập khẩu. Kể từ ngày 1/1/ 2027, các nhà nhập khẩu sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về giám sát, báo cáo và xác minh ở cấp độ sản xuất.
Từ năm 2030, các nước EU sẽ áp đặt các giới hạn về "giá trị mật độ khí methane tối đa" đối với nhiên liệu hóa thạch tại EU. Khi đó, Ủy ban châu Âu sẽ xác định các mức giới hạn chính xác. Các nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt vi phạm giới hạn có thể phải đối mặt với hình phạt tài chính.
Quy định trên có thể tác động đến các nhà cung cấp khí đốt lớn từ Mỹ, Algeria và Nga.
Các quy định cũng yêu cầu những nhà sản xuất tại các nước EU phải kiểm tra định kỳ các hoạt động sản xuất để đề phòng rò rỉ khí methane, với khung thời gian từ 4 tháng/lần đối với kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đến 3 năm/lần đối với cơ sở hạ tầng năng lượng dưới đáy biển.
Khí methane là thành phần chính của khí tự nhiên và cũng là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, sau CO2. Trong ngắn hạn, loại khí thải này có tác động làm khí hậu ấm lên hơn nhiều so với CO2. Các nhà khoa học nhấn mạnh việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải methane trong thập niên này là rất quan trọng nếu thế giới muốn tránh biến đổi khí hậu nghiêm trọng.
Theo NGUYỄN HẰNG (Báo Tin Tức)