Các nước trên thế giới đón mừng Năm mới trong lạc quan và thận trọng

31/12/2021 - 19:11

Nhà chức trách Trung Quốc đã kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động tụ tập đông người; lễ đếm ngược đón Năm mới ở New York hạn chế số người; còn Sydney vẫn tổ chức màn bắn pháo hoa đêm giao thừa.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thế giới đang trải qua ngày cuối cùng của năm 2021 với một loạt “kỷ lục buồn” về COVID-19.

Thêm 1.824.713 ca mắc mới COVID-19 được báo cáo trên toàn cầu trong 24 giờ qua, khiến tuần cuối cùng của năm trở thành tuần lễ ghi nhận dấu mốc thế giới liên tục "vượt 1 triệu ca mắc mới mỗi ngày."

Mỹ vẫn chiếm nhiều nhất số ca mắc mỗi ngày với trên 500.000 ca. Các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, Anh và Italy, tiếp tục chứng kiến số ca mắc mới ở mức cao. Cụ thể, Pháp ngày thứ hai liên tiếp có số ca mắc mới vượt mốc 200.000 ca/ngày, Anh lập kỷ lục mới với 189.213 ca, trong khi Italy lần đầu tiên vượt mốc hơn 100.000 ca/ngày trong suốt gần hai năm xảy ra đại dịch.

Tại Đông Nam Á, Lào ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức 4 chữ số, còn Thái Lan và Philippines chứng kiến số ca nhiễm Omicron gia tăng ở nhiều tỉnh, thành. Trong khi đó, số ca mắc mới tại khu vực Mỹ Latinh tăng 50% trong tuần qua và số ca tử vong tăng 11%.

Số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trên toàn thế giới chủ yếu do biến thể Omicron xuất hiện lần đầu tiên tại khu vực miền Nam châu Phi hồi cuối tháng 11 vừa qua. Hiện chưa có kết quả nghiên cứu cuối cùng về độc lực của Omicron, nhưng các dữ liệu sơ bộ cho thấy biến thể này có thể dễ lây hơn các biến thể trước. Hơn 1 tháng kể từ khi lộ diện (tính từ ngày 25/11), biến thể Omicron đã lan ra hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đã có nhiều dữ liệu nghiên cứu và thực nghiệm lâm sàng rõ ràng cho thấy biến thể Omicron có khả năng cao né tránh hệ miễn dịch và “vượt rào” vaccine. Điều này có thể giải thích tại sao số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục lập đỉnh ở nhiều nước dù có chính sách mở cửa thận trọng và tỷ lệ bao phủ vaccine rộng.

Ngoài ra, dữ liệu tại một số nước trong đó có Mỹ cho thấy các xét nghiệm nhanh có thể không phát hiện được biến thể Omicron, khiến việc phát hiện và truy vết gặp nhiều khó khăn, vô tình khiến biến thể âm thầm lây lan.

Bên cạnh đó, biến thể Delta vẫn đang tiếp tục hoành hành ở nhiều nước, cùng với Omicron tạo nên một mối đe dọa kép mà Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi là một “cơn sóng thần” ập đến, gây áp lực lên các nhân viên y tế vốn đã kiệt sức và hệ thống y tế bên bờ vực sụp đổ.

Dù các nghiên cứu ban đầu đều cho thấy biến thể Omicron gây tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn so với các biến thể trước, song giới chuyên gia vẫn lo ngại số ca mắc mới tăng vọt sẽ tạo ra thách thức lớn.

Omicron cũng khiến thế giới thêm một năm đón thời khắc giao thừa, chuyển giao từ năm 2021 sang năm 2022 trong không khí trầm lắng và ít sôi động hơn.

Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Mỹ, lễ đếm ngược đón Năm mới nổi tiếng tại Quảng trường Thời đại ở New York sẽ phải hạn chế số người tham gia và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, trong khi thành phố San Francisco hủy buổi trình diễn pháo hoa truyền thống đêm Giao thừa.

Tại Pháp, pháo hoa sẽ không thắp sáng bầu trời trong khoảng khắc đêm Giao thừa, các sự kiện công cộng ở không gian kín và ngoài trời bị giới hạn lần lượt ở mức 2.000 người và 5.000 người, các quán bar buộc phải đóng cửa. Còn tại Anh, màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục hằng năm tại vòng quay London Eye và Lễ hội Hogmanay (bữa tiệc đường phố lớn của Edinburgh) bị hủy bỏ, các hộp đêm không đón khách ở Scotland, Wales và Bắc Ireland.

Tại Đông Nam Á, Indonesia cấm tổ chức các lễ hội hóa trang, bắn pháo hoa và các buổi tụ họp có quy mô hơn 50 người trong dịp Năm mới ở đảo du lịch Bali, các trung tâm mua sắm, nhà hàng và quán cà phê phải đóng cửa trước 22h và chỉ hoạt động với 75% công suất.

Tại Thái Lan, Bangkok vẫn tổ chức lễ đón Năm mới thường niên nhưng đi kèm một số hạn chế như chỉ được phép tổ chức ở các địa điểm ngoài trời và người tham gia phải tiêm phòng đầy đủ hoặc có xét nghiệm âm tính.

Tại Việt Nam, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa-nghệ thuật dưới hình thức trực tuyến để chào đón Năm mới 2022.

Màn pháo hoa tại tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vẫn được lên kế hoạch như bình thường song người tham gia phải đăng ký bằng ứng dụng, nhận mã QR để được phép tới sự kiện.

Sydney, thành phố lớn nhất Australia, cũng yêu cầu người tham gia các sự kiện đón Năm mới phải mua vé trước và tuân thủ quy định phòng dịch.

Tại Nhật Bản, các thành phố Tokyo và Osaka khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người vào dịp cuối năm.

Mặc dù biến thể Omicron làm tiêu tan không khí đông vui, nhộn nhịp đón Năm mới, nhưng các chuyên gia không quá bi quan về tình hình dịch bệnh trong năm 2022.

Quảng trường Đỏ tại thủ đô Moskva, Nga, được trang hoàng rực rỡ đón Năm mới 2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giáo sư y tế cộng đồng của Singapore - bà Natasha Howard, nhận định với số ca nhiễm Omicron tăng vọt, biến thể này sẽ “thống lĩnh” toàn cầu vào năm 2022.

Nhưng theo chuyên gia về miễn dịch học và virus học Ben Krishna tại Đại học Cambridge (Anh), Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng, nhưng lại có thể là biến thể cuối cùng gây ra sự quan ngại và đáng được lưu tâm. Theo ông, nếu may mắn, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ trở thành một loại virus đặc hữu, biến đổi từ từ theo thời gian, khi đó bệnh COVID-19 sẽ diễn biến nhẹ hơn vì cơ thể đã hình thành miễn dịch trước đó, từ đó làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Trong khi đó, Tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO dự báo giai đoạn “cấp tính” của đại dịch COVID-19 có thể kết thúc vào năm tới dù rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất.

WHO đang thực hiện chiến dịch vận động để mỗi quốc gia đều sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số vào giữa năm 2022, từ đó giúp thế giới vượt qua giai đoạn hiểm nghèo vì đại dịch COVID-19. Nhiều nước cũng đang gấp rút triển khai tiêm liều tăng cường cho người dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Một số nước rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường và hạ độ tuổi đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường. Không ít nghiên cứu khoa học khẳng định vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là mũi tăng cường, vẫn có hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2.

Cùng với những tiến bộ trong tiêm chủng và chiến lược phòng dịch thận trọng, hy vọng trong năm 2022, thế giới có thể sẽ vượt qua cơn bão Omicron như đã từng làm với "bão" Delta.

Theo PHAN AN (TTXVN/Vietnam+)