Công an tỉnh Tuyên Quang cung cấp clip ghi lại cuộc hội thoại của một kẻ mạo danh tự xưng là Đại úy Trần Văn Hùng hiện công tác tại Công an TP Hà Nội, gọi cho Thượng úy Nguyễn Hoàng là cán bộ công an.
Tuy nhiên, sau khoảng 3 phút gọi qua video, kẻ giả danh đã phát hiện ra đang nói chuyện với công an thật nên không chào mà biến mất.
Nạp tiền, truy cập link lạ mất tiền tỷ
Bà C.Đ.T.H. (SN 1979, giáo viên một trường tiểu học ở Nam Định) vào cuối tháng 3 nhận được cuộc gọi của người tự xưng là công an, nói bà tham gia vào đường dây buôn bán người qua Campuchia.
Trong 4 ngày sau đó, kẻ mạo danh liên tục gọi điện và yêu cầu bà ra ngân hàng lập tài khoản, rồi gửi các thông tin qua zalo và truy cập vào đường link họ gửi để kê khai.
Bà H. đã rút hết tiền tiết kiệm, vay gia đình bạn bè lên đến hơn 3 tỷ đồng gửi vào tài khoản mới mở để rồi mất trắng.
Một trường hợp khác là giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, bị kẻ giả danh gọi điện thoại, cũng đã mắc bẫy lừa đảo. Giáo sư T.H.Q. (83 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể: “Vào ngày 18/3/2022, tôi nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là Trung úy Hoàng Văn Tuân, hiệu sĩ quan 1053...".
Trao đổi qua điện thoại, người này xưng đơn vị công tác ở Đội 6 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm (Công an Đà Nẵng), nói rằng ông đã có mặt trên chiếc ô tô gây tai nạn trong thành phố, yêu cầu có mặt để điều tra vụ án.
Tiếp sau đó là những cuộc gọi của một số người khác yêu cầu ông mở tài khoản cá nhân và chuyển tiền vào. Kết quả vị giáo sư bị lừa tổng cộng 750 triệu đồng.
Vạch trần thủ đoạn kẻ mạo danh
Nói về những hành vi nêu trên, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Đến thời điểm này có rất nhiều kẻ mạo danh công an để đe dọa các nạn nhân và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Luật sư Hoàng Tùng thông tin với PV VietNamNet về vụ việc.
Luật sư Hoàng Tùng chỉ ra các thủ đoạn mà kẻ mạo danh đem ra dọa dẫm như: Anh A cho mượn xe ô tô gây tai nạn, chị B. buôn bán ma túy, buôn bán người qua Campuchia, hay dính dáng tới lừa đảo, tham gia vào đường dây rửa tiền, đưa người nhập cảnh trái phép hoặc bị người nước ngoài dùng căn cước công dân để lừa đảo như: vay tiền, thuê xe ô tô, ký gửi hàng cấm...
Ông Tùng nhận định, kẻ mạo danh công an thường đưa ra những hành vi phạm tội không có thực đối với các nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin. Đây là kiểu thao túng tâm lý với những người ít tiếp xúc với phương tiện thông tin đại chúng hoặc không chú ý đến sự tuyên truyền của lực lượng chức năng.
Ngoài ra, luật sư Hoàng Tùng cũng chỉ rõ, tới đây, những kẻ giả danh công an có thể lừa đảo về việc nạn nhân chậm đóng bảo hiểm, chưa khai mã số thuế, mã số thuế không đúng, không giao dịch; Thông báo ‘sai dữ liệu dân cư’ để đánh cắp dữ liệu cá nhân; Lừa đảo kích hoạt và tích hợp sổ đỏ và ứng dụng VNeID; lừa vay tiền trực tuyến...
Luật sư nhấn mạnh, trước thực trạng này Bộ Công an đã nêu rõ: Cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc gửi văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, gia đình và người cần làm việc. Bộ Công an tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội.
Theo TIẾN DŨNG (VietNamNet)