Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo giả danh công an, dàn dựng “bắt cóc” học sinh để chiếm đoạt tiền

16/07/2025 - 14:17

 - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh An Giang và một số tỉnh lân cận liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo bằng hình thức giả danh công an, khống chế tinh thần học sinh, sau đó dàn dựng kịch bản “bị bắt cóc” để yêu cầu người nhà chuyển tiền chuộc. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cảnh báo đây là thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi, cần được nhận diện và phòng ngừa kịp thời.

Công an xã Phú An bàn giao người bị hại cho gia đình

Chiều 14/7, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an xã Phú Tân và Công an xã Phú An xác minh, làm rõ 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả danh cán bộ công an, gọi điện đe dọa học sinh có liên quan đến vụ án ma túy hoặc rửa tiền xuyên quốc gia.

Theo đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cài đặt ứng dụng “Zoom Workplace”, cấp quyền truy cập thiết bị, sau đó chiếm quyền điều khiển điện thoại, tài khoản mạng xã hội và liên lạc với người thân để yêu cầu tiền chuộc.

Thủ đoạn của các đối tượng là kết bạn Zalo với học sinh bậc THCS và THPT, tự xưng là công an và thông báo các em đang bị điều tra trong một vụ án lớn. Chúng hướng dẫn các em tải ứng dụng trực tuyến, cấp mã Zoom để tham gia nhóm gọi video.

Khi đã chiếm quyền điều khiển điện thoại, chúng hướng dẫn nạn nhân thuê trọ tại địa điểm do chúng chỉ định, yêu cầu giữ bí mật, cắt liên lạc với gia đình. Sau đó, chúng thao túng tâm lý nạn nhân, yêu cầu chụp ảnh trong tư thế bị trói, kề dao vào cổ... để gửi về cho gia đình kèm nội dung cầu cứu, đe dọa sẽ bán sang Campuchia nếu không chuyển tiền. Tài khoản nhận tiền được gửi cho người nhà lại chính là của nạn nhân, do các đối tượng yêu cầu cung cấp trước đó.

Khoảng 20 giờ 30, ngày 14/7, Công an xã Chợ Vàm tiếp nhận trình báo của chị Trần Thị Ái Liên (35 tuổi, ngụ ấp Phú Lộc, xã Chợ Vàm) việc em trai Trần Q.V (17 tuổi) bị yêu cầu chuyển tiền chuộc sau khi gia đình nhận tin nhắn có nội dung bị bắt giữ. Nhận định khả năng nạn nhân không bị “bắt cóc”, mà bị dụ đến nhà trọ, Công an xã tổ chức rà soát khẩn cấp. Đến 23 giờ cùng ngày, phát hiện V. đang thuê phòng tại nhà trọ số 47, ấp Phú Cường B.

Qua làm việc, công an xác định em bị đối tượng giả danh đại úy công an gọi điện, yêu cầu trình diện ở Hà Nội, sau đó cung cấp thông tin ngân hàng và làm theo hướng dẫn đến nhà trọ để “làm việc trực tuyến”. V được hướng dẫn nhắn tin cho hai người chú với nội dung đang thiếu nợ và cần chuyển tiền. Đối tượng yêu cầu V. ngồi trong nhà vệ sinh, hai tay ra sau lưng, chụp ảnh giả bị bắt để gửi cho người thân. Tuy nhiên, do cảnh giác nên gia đình không chuyển tiền, mà báo công an, kịp thời ngăn chặn vụ việc.

Tương tự, lúc 20 giờ 15 phút, ngày 15/7, Công an phường Mỹ Thới tiếp nhận tin báo của anh Châu Ngọc Tính (51 tuổi, ngụ khóm Trung Thạnh, phường Mỹ Thới) việc con gái là Châu A.T. (17 tuổi) nghi bị “bắt cóc”, sau khi gửi tin nhắn cầu cứu cho mẹ qua Zalo. Tổ công tác phối hợp Phòng PC02, PA05 xác minh nhanh, đến 0 giờ 30 phút, ngày 16/7, phát hiện T. đang thuê phòng tại khách sạn thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Qua làm việc, T. khai nhận đã nhận cuộc gọi từ đối tượng giả danh công an, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và phát hiện có 10 triệu đồng trong tài khoản. Đối tượng yêu cầu T. chuyển số tiền này và tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng qua ứng dụng ngân hàng. Sau đó, T. được yêu cầu đến khách sạn, chụp ảnh như đang bị “bắt cóc” để gửi về cho mẹ kèm nội dung cầu cứu; yêu cầu gia đình chuyển 450 triệu đồng để chuộc. Nhờ không làm theo yêu cầu đối tượng và báo công an, nên vụ việc được xử lý kịp thời, T. được đưa về an toàn và thiệt hại 10 triệu đồng đã chuyển…

Trước đó, vào lúc 19 giờ 15, ngày 15/7, Công an phường Bình Đức cũng tiếp nhận trình báo từ chị Nguyễn Thị Thu Sương (42 tuổi, ngụ khóm Bình Khánh 3, phường Bình Đức) việc con gái Võ N.L.V. (17 tuổi) bị nhắn tin đe dọa, yêu cầu chuyển tiền để “trả nợ nhiệm vụ online”. Trong tin nhắn, V. cho biết bị lôi kéo làm nhiệm vụ kiếm tiền qua mạng, rồi bị đòi nợ 300 triệu đồng, nếu không trả sẽ bị “bán thận”.

Qua thông tin trên, công an xác định khả năng V. bị lừa đảo công nghệ cao, nên nhanh chóng phối hợp các lực lượng tổ chức kiểm tra những nhà trọ. Đến 21 giờ 30 cùng ngày, phát hiện V. tại nhà nghỉ thuộc phường Long Xuyên, kịp thời bàn giao về gia đình an toàn, không thiệt hại tài sản…

Theo Công an tỉnh An Giang, đây là thủ đoạn mới, có kịch bản tinh vi, nghi do các đối tượng tội phạm có tổ chức ở nước ngoài thực hiện. Các đối tượng thường chọn học sinh, sinh viên; lợi dụng sự nhẹ dạ và thiếu kỹ năng xử lý tình huống… để thao túng tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản từ gia đình. Chúng thường yêu cầu nạn nhân dùng tài khoản cá nhân làm nơi nhận tiền chuộc, gây khó khăn cho người thân trong việc xác minh sự thật.

Theo thượng tá Phạm Văn Bằng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh An Giang, qua các vụ việc nêu trên, đơn vị ra thông báo đề nghị công an 102 xã, phường trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền đến học sinh, sinh viên, phụ huynh về dấu hiệu lừa đảo, như: Tự xưng công an, yêu cầu giữ bí mật, chuyển tiền gấp, cung cấp tài khoản, gọi video với người mặc sắc phục... Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng qua điện thoại, ứng dụng không rõ nguồn gốc. Khi nhận được tin nhắn cầu cứu từ người thân, cần cần bình tĩnh xác minh, không vội chuyển tiền, mà báo ngay công an để xử lý. Khi tiếp nhận thông tin nghi vấn, lực lượng công an cơ sở cần kiểm tra ngay các nhà trọ, khách sạn trên địa bàn và khu vực giáp ranh để kịp thời phát hiện nạn nhân và ngăn chặn thiệt hại.

Công an tỉnh An Giang đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phối hợp lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

NGUYỄN HƯNG