Hoạt động sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH may Nien Hsing, khu công nghiệp Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Tại Việt Nam, bình quân mỗi năm có khoảng hơn 120.000 doanh nghiệp mới được thành lập.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Hiện, Chính phủ đang rất nỗ lực để có môi trường đầu tư thuận lợi nhất, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 11, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục đạt mức cao với gần 12.3000 doanh nghiệp, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 10, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 12.000 doanh nghiệp, đặc biệt số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng này tăng mạnh, gấp 3 lần tháng trước và tăng 109,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 163.600 doanh nghiệp, tăng 6,8%.
Đáng chú ý là vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt mức khá cao với 12,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2019, cả nước có 126. 700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,574 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 27,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính thêm trên 2,1 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 36.500 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2019 là 3,675 triệu tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cả nước có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2019 lên 163.600 doanh nghiệp.
Trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 14.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, trong 11 tháng năm nay có 1.900 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018; 33.900 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 5,5%; 90.900 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 4%.
Một số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng như: công nghiệp chế biến, chế tạo có 16.000 doanh nghiệp, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018; xây dựng có 15.800 doanh nghiệp, tăng 1,7%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 10.600 doanh nghiệp, tăng 14,4%...
Hiện, có 4 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy có 41.600 doanh nghiệp, giảm 2,3%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 6.200 doanh nghiệp, giảm 2,5%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 1.400 doanh nghiệp, giảm 21,3%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí có 1.300 doanh nghiệp, giảm 0,9%.
Cũng trong 11 tháng năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 27.800 doanh nghiệp, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 38.100 doanh nghiệp, tăng 39,8%.
Cả nước còn có gần 41.500 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu
Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong vòng 1 năm vừa qua.
Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu.
Bình luận về thành tích trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định Việt Nam đã đạt kết quả cao trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019.
Đây là kết quả bước đầu minh chứng cho những nỗ lực bền bỉ trong công cuộc cải cách mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành suốt thời gian qua.
Lần đầu tiên, Việt Nam đã vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới và đứng ở vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.
Thực tiễn đã chứng minh dư địa lớn nhất và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt.
Việc thăng hạng của Việt Nam trong cuộc đua tranh về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong nền kinh tế tế toàn cầu là sự cộng hưởng của hai yếu tố này.
Điều này cho thấy quyết tâm và các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ, ngành bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, để tiến cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu rất cần hành động cụ thể và sự hợp tác, nỗ lực cao từ cả hai phía Chính phủ và doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi Việt Nam gia nhập, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì mức độ cạnh tranh tăng lên rất nhanh, gây sức ép đối với mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh.
Do đó, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp phải ý thức rõ rằng mình phải cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, chứ không chỉ ở Việt Nam thuần túy.
Đây là vấn đề cần cảnh báo cũng như để khuyến nghị mỗi doanh nghiệp tự đặt câu hỏi là đơn vị mình đã tham gia được bao nhiêu phần trăm của chuỗi giá trị/cung ứng toàn cầu.
Mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ từng bước đi cụ thể của mình. Đặc biệt để tiến lên công đoạn tạo giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thì trước hết mỗi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực sản xuất của chính mình và lớn hơn là cạnh tranh với các quốc gia khác.
Bên cạnh những mặt tích cực, lợi thế, để tạo ra giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp cần phải vượt qua những khó khăn đang đối mặt.
Ngoài những mục tiêu ngắn hạn thì các doanh nghiệp nên tập trung vào mục tiêu dài hạn; xác định rõ con đường mình đã bước vào và sẽ đi trong tương lai.
Ở đây cần có sự chuẩn bị chu đáo và tầm nhìn của chủ doanh nghiệp, thuộc về vấn đề quản trị. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam vì đến nay, khả năng quản trị doanh nghiệp Việt Nam đứng cuối bảng trong khu vực ASEAN.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, theo Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu, Việt Nam không chỉ cần vượt qua chính mình mà đòi hỏi phải tiến kịp và vượt qua quốc gia khác.
Đây là một thách thức không nhỏ đòi hỏi nỗ lực của cả Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp; đòi hỏi không chỉ nhận thức mà cần có hành động cụ thể và quyết liệt của cả hai bên.
Về phía Chính phủ, vấn đề mấu chốt hiện nay là thực thi một cách đầy đủ và kịp thời các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đã đề ra trong nhiều năm qua.
Cùng với tiến triển của cải cách, áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp sẽ ngày càng cao, do rào cản pháp lý về gia nhập thị trường được gỡ bỏ, sẽ nhiều hơn doanh nghiệp mới tham gia và cạnh tranh với doanh nghiệp hiện tại.
Doanh nghiệp cần phải tự chủ động, quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt lưu ý là phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là nâng cao quản trị doanh nghiệp, giữ chữ tín trong kinh doanh.
Theo PV (Vietnam+)