Cân nhắc toàn diện đề xuất bỏ án tử hình ở 8/18 tội danh có khung phạt tử hình

07/04/2025 - 08:38

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành, trong đó có tội "Tham ô tài sản" và tội "Nhận hối lộ". Việc bỏ mức hình phạt cao nhất với 2 tội danh này đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Hội đồng xét xử tuyên án đối với các bị cáo.

Từ thực tiễn xét xử

Bộ luật Hình sự 2015, điều 40 điểm c khoản 2 đã quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu: "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn".

Trong quá trình thực thi quyền tố tụng thời gian qua, có không ít bị cáo đã được tuyên mức án tù chung thân thay vì mức án tử hình như đề xuất của Viện Kiểm sát.

Tại phiên tòa xét xử sai phạm xảy ra tại Ngân hàng cổ phần thương mại Đại Dương (Oceanbank) ngày 4/5/2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án tử hình với cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn về hành vi tham ô 49 tỷ đồng. Sau khi gia đình giao nộp 32 tỷ đồng, bị cáo Sơn được giảm án xuống tù chung thân.

Hay trong phiên xử vụ án "chuyến bay giải cứu" ngày 28/7/2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế mức án chung thân về tội nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, thay vì tử hình như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát vì đã thành khẩn khai báo, khắc phục hơn 42 tỷ đồng.

Cân nhắc toàn diện đề xuất bỏ án tử hình ở 8/18 tội danh có khung phạt tử hình ảnh 1

Phiên xử các bị cáo vụ án "chuyến bay giải cứu".

Ngày 3/12/2024, Hội đồng xét xử của phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn tuyên án y án tử hình với bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bản án phúc thẩm trên đã có hiệu lực pháp luật, song khi tuyên án Hội đồng xét xử cho rằng "nếu bị cáo tích cực khắc phục 3/4 hậu quả sẽ được xem xét chuyển sang chung thân".

Tính đến ngày 3/4/2025 các cơ quan tố tụng đã thu hồi được khoảng 8.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi thêm được 15.000 tỷ nữa của bị cáo Trương Mỹ Lan. Hiện tòa cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục phiên phúc thẩm vụ án giai đoạn 2, dự kiến kết thúc vào ngày 21/4 tới đây.

Kết quả thu hồi tài sản khắc phục thiệt hại từ các bị cáo trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng cao. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong công tác thi hành án dân sự, số tiền thu hồi được từ các vụ án này trong năm 2023 là trên 20 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là trên 22 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2025, con số này đã là gần 10 nghìn tỷ đồng.

Đến kiến nghị, đề xuất

Bộ Công an đánh giá, sau 8 năm thi hành luật, một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình và đối với các tội danh “Tham ô tài sản, Nhận hối lộ”, tòa án ít áp dụng hình phạt này.

Về bản chất, tội “Tham ô tài sản” và tội “Nhận hối lộ” là các tội phạm mang tính vụ lợi, được thực hiện nhằm mang lại những lợi ích vật chất cho người phạm tội. Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh, đề xuất bỏ hình phạt tử hình với hai tội danh này là chủ trương đúng vì “Xét cho cùng, tước đoạt mạng sống của một con người dù đó là người phạm tội tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng không mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, cho Nhân dân bằng việc thu hồi những gì họ đã lấy của Nhà nước, tịch thu những khoản hưởng lợi bất chính của họ để từ đó sử dụng, phục vụ cho sự nghiệp chung, đó mới là mục tiêu cao nhất”.

GS,TS Nguyễn Đăng Dung cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Công an bởi vì điều này hoàn toàn phù hợp xu thế thế giới. “Tội tham ô tài sản hay nhận hối lộ mục đích chỉ vì tiền thôi, việc khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản là quan trọng, chúng ta không nên tước đi mạng sống của họ. Việc áp dụng hình phạt tử hình không làm giảm số tội phạm này”, ông Dung nói.

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mới đây tại Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ hình phạt tử hình.

Ông Nam cho rằng, dù tư tưởng nhân văn, khoan hồng trong chính sách hình sự là xu hướng đáng khuyến khích, nhưng không vì thế mà lơi lỏng nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Nam, khi đối tượng đứng trước nguy cơ nhận án tử hình, thái độ và hành vi hợp tác thường thay đổi rõ rệt. Sức răn đe của mức án cao nhất này không chỉ thể hiện ở sự nghiêm khắc về pháp lý mà còn tạo ra áp lực buộc các đối tượng phải chủ động khắc phục hậu quả, đặc biệt là trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, dù chủ thể tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” là người có chức vụ, quyền hạn thì về bản chất họ phạm tội cũng chỉ vì mục đích kinh tế, không xâm phạm đến an ninh quốc gia, đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người - các khách thể được pháp luật ưu tiên bảo vệ. Việc loại bỏ án tử hình đối với các tội danh này không giảm đi tính răn đe, trừng phạt đối với người phạm tội.

Không đồng thuận với đề xuất này, một số ý kiến khác cho rằng, nếu loại bỏ hình phạt cao nhất thì dễ dẫn đến khả năng “nhờn” luật vì áp lực phải từ bỏ mạng sống không còn.

Thực tế, không có hình phạt nào đủ sức ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội kể cả hình phạt nặng nhất. Luật hiện hành áp dụng hình phạt tử hình nhưng mỗi năm tòa án các cấp vẫn liên tục xét xử các vụ án tham nhũng, hối lộ.

Theo TS Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về đề xuất bỏ hình phạt tử hình ra khỏi 2 tội danh trên.

Bà Nga cho biết, chúng ta đang trong lộ trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính, hoàn thiện bộ máy, kiện toàn các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương và chuẩn bị sửa đổi một số luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, đó chính là cơ sở để kéo giảm cơ hội phạm tội tham ô, nhận hối lộ.

Cân nhắc toàn diện đề xuất bỏ án tử hình ở 8/18 tội danh có khung phạt tử hình ảnh 2

TS Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

“Chúng ta đang phấn đấu để khách thể của hai tội danh này là người có chức vụ, quyền hạn, không cần tham nhũng, thông qua cải cách tiền lương, chế độ chính sách cho những người thực thi công vụ; không dám tham nhũng bằng cách áp hình phạt đủ nghiêm khắc và không thể tham nhũng khi áp dụng công nghệ trong kiểm soát minh bạch tài sản. Điều này sẽ góp phần hiệu quả vào cuộc chiến phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng ta. Nếu chúng ta làm thật tốt công tác cán bộ, minh bạch các quy trình, thông tin thì việc nhận hối lộ sẽ được khó có cơ hội”, nữ đại biểu Quốc hội chia sẻ quan điểm.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV.

Theo Báo Nhân Dân