Cảnh giác chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội

08/08/2024 - 06:46

 - Lợi dụng sự phát triển của công nghệ số, các đối tượng tội phạm đã sử dụng nhiều chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, như: Điều chỉnh thông tin căn cước công dân, chốt đơn hưởng hoa hồng, “lấy lại tiền bị lừa” trên mạng xã hội…

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, thời gian qua, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Câu chuyện của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ tại hội nghị sơ kết công tác cải cách tư pháp của TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm lại một lần nữa cho thấy thực trạng tội phạm lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ cao đang rất phức tạp.

Theo ông Nên, không chỉ người dân mà chính cán bộ, lãnh đạo cũng bị lừa đảo, mạo danh. “Hôm trước, tôi đi họp ngoài Hà Nội, có một cán bộ cao cấp nói nhận được điện thoại mượn tiền. Nghe tiếng rất giống tôi nhưng số điện thoại không phải của tôi. Sau khi kiểm tra lại thì đó là số của một người khác” - ông Nên chia sẻ. 

Các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng phức tạp, gây hoang mang, lo lắng không chỉ với người dân mà ảnh hưởng hệ thống chính trị. Bản thân người viết cũng có gần chục lần bị các đối tượng tội phạm thực hiện các cuộc gọi hoặc nhắn tin lừa đảo.

Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, như: Giả danh công an gọi điện yêu cầu điều chỉnh thông tin căn cước công dân, giả danh nhân viên nhà mạng gọi điện yêu cầu cập nhật thông tin sim thuê bao chính chủ, giả mạo Facebook của lãnh đạo nhờ ấn vào đường link để bình chọn ảnh đẹp… Nếu không cảnh giác, có thể bị đánh cắp thông tin hoặc bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng!

Các đối tượng giả mạo công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, gửi “link độc” rồi chiếm quyền kiểm soát điện thoại. Trường hợp bà T.T.Th. (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) bị kẻ gian gọi điện lừa cài đặt VNeID rồi chiếm đoạt tiền. Số tiền này bà Th. dành dụm rất lâu để phòng bất trắc khi đau bệnh, nhưng đã bị kẻ gian lừa lấy hết.

Nguy hiểm nhất là nhiều người có thể bị lợi dụng hình ảnh cắt ghép để lừa đảo. Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến. Trong đó Deepfake - một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh, âm thanh hoặc video để tạo ra những nội dung giả mạo, nhằm gây hiểu nhầm cho người xem. Tuy nhiên, nếu công nghệ AI bị lợi dụng bất chính, Deepfake có thể trở thành vũ khí nguy hiểm trong tay những kẻ xấu.

Thủ đoạn mới nhất vừa xảy ra, đối tượng nhắm đến người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, du lịch không cần visa tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Bằng thủ đoạn lừa thanh toán tiền máy bay, làm thủ tục, đối tượng đã chiếm đoạt tiền của 10 người, hơn 747 triệu đồng. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo, trong trường hợp gặp những đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo cáo các dịch vụ hoặc trang web nghi ngờ cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để giúp ngăn chặn, bóc gỡ…

Với hình thức lừa đảo mới, kẻ gian đã gọi điện, gửi tin nhắn điện thoại, nhắn/gọi Zalo… nhằm thuyết phục người dùng chủ động mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc làm hồ sơ phát hành thẻ tín dụng ngân hàng. Chúng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin thẻ và mã OTP được gửi tới số điện thoại để liên kết thẻ đó với một số ví điện tử. Sau đó, đối tượng lừa đảo liên kết thẻ của người dùng với ví điện tử của chúng và chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng cách sử dụng ví để mua hàng hóa, dịch vụ…

Nhằm đảm bảo an toàn tài khoản khách hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Từ ngày 1/7, khi khách hàng cá nhân chuyển tiền cùng ngân hàng, khác chủ tài khoản hoặc chuyển tiền giữa các ví điện tử; nạp, rút tiền từ ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt. Các giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch không quá 20 triệu đồng/ngày thì xác thực bằng mã Smart/SMS OTP như thông thường, không cần xác thực bằng khuôn mặt…

Các đối tượng tội phạm ngày càng manh động, hoạt động xuyên biên giới, câu kết với các đối tượng trong và ngoài nước, lấy các địa bàn tại các quốc gia khác để làm địa điểm thực hiện hành vi phạm pháp. Do đó, quá trình điều tra, truy vết các hoạt động phạm tội cần phải có sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia.

Song song với rà quét các tài khoản mạng xã hội mạo danh để lừa đảo, phối hợp ngăn chặn, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chính thức ra mắt phần mềm phòng, chống lừa đảo nTrust. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh, giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR.

Phần mềm còn hỗ trợ chức năng rà quét các ứng dụng trên điện thoại, phát hiện mã độc hoặc phần mềm giả mạo. Người dùng có thể tải phần mềm từ 2 chợ ứng dụng phổ biến là Google Play (với hệ điều hành Android) và App Store (với hệ điều hành iOS - điện thoại iPhone)…

Phần mềm nTrust có chức năng kiểm tra số điện thoại giúp người dùng ngăn chặn các số lừa đảo có trong cơ sở dữ liệu, cảnh báo các số quảng cáo làm phiền (số spam). Người dùng có thể chủ động chặn các số không muốn liên lạc (danh sách đen) hay tạo ngoại lệ cho các số thường xuyên trao đổi (danh sách trắng). Chức năng kiểm tra địa chỉ web (link) giúp phát hiện các trang web lừa đảo, chứa mã độc hoặc trang giả mạo.

Người dùng sẽ nhận được khuyến cáo không nên truy cập các trang web này để phòng tránh bị mất tài khoản. Phần mềm cũng hỗ trợ người dùng quét các mã QR trước khi giao dịch, giúp phát hiện ra các mã QR có dấu hiệu lừa đảo. Chức năng quét mã độc, người dùng sẽ được cảnh báo khi cài các ứng dụng (app) giả mạo hoặc có chứa mã độc. Từ đó, giúp phòng ngừa các tình huống mạo danh cơ quan, tổ chức để lừa cài app giả, chiếm quyền điều khiển điện thoại...

Theo thống kê, năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng. Trong đó, 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

 

HỮU HUYNH