Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Colmar, Pháp ngày 22-1. Ảnh: AFP-TTXVN
Tuy tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng lắng dịu dần ở một số điểm nóng trước đó như Ấn Độ hay Hàn Quốc, nhưng danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ bị virus SARS-CoV-2 tấn công lại tiếp tục mở rộng thêm với Micronesia - một đảo quốc nhỏ trên Thái Bình Dương.
WHO cho biết số ca tử vong mới đã tăng lên mức cao chưa từng thấy với 93.000 ca trong tuần tính đến ngày 20-1, trong khi có 4,7 triệu ca mắc mới. Nhiều nước trên thế giới - như Mỹ, Mexico, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Cuba, Indonesia, Malaysia, Philippines, Liban hay Israel – gần đây đã thông báo những con số kỷ lục về số ca mắc bệnh và tử vong.
Trung Quốc – nơi khởi phát dịch COVID-19 - cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến số người nhiễm, khiến chính phủ phải áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với 19 triệu cư dân ở khu vực Đông Bắc.
Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu chính là sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh, Nam Phi, Brazil, Nhật Bản và Mỹ.
Tuy chưa công bố các đặc tính của biến thể virus phát hiện tại Nhật Bản và Mỹ, nhưng giới khoa học xác định rằng các biến thể phát hiện tại Nam Phi và Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 50-70% so với phiên bản gốc, khiến bệnh tình nặng hơn, có nguy cơ gây tái nhiễm và nguy cơ gây tử vong cũng cao hơn.
Biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh giữa tháng 12-2020, đến nay đã lây lan ra hơn 60 nước và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, biến thể được phát hiện tại Nam Phi cũng đã có mặt tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
WHO cho biết cả hai biến thể này khiến số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng đột biến trong thời gian gần đây, trong khi lưu ý rằng biến thể phát hiện tại Nhật Bản và ở vùng Amazon thuộc Brazil có thể tác động đến khả năng lây lan và phản ứng miễn dịch.
Các nhà khoa học thuộc trường đại học Southern Illinois (Mỹ) thì cho rằng biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Mỹ mạnh hơn cả và nhiều khả năng là biến thể gây bệnh COVID-19 phổ biến nhất tại nước này hiện nay, dễ lây, nhưng không dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Diễn biến khó lường của dịch bệnh đã buộc chính phủ các nước siết chặt thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2. Chính phủ Thụy Điển thậm chí thay đổi hẳn quan điểm trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19.
Ở đợt bùng phát dịch mùa Xuân năm ngoái, Thụy Điển gây "bão dư luận" về quan điểm "miễn dịch cộng đồng", theo đó nước này không thực hiện biện pháp cách ly để kiểm soát dịch COVID-19 như những nơi khác ở châu Âu.
Tuy nhiên, bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ hai đang diễn biến nghiêm trọng hơn so với dự báo đã khiến nước này phải ban hành Luật chống dịch COVID-19, trao cho chính phủ quyền hạn mới như đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trung tâm mua sắm hoặc phương tiện giao thông công cộng vào bất kỳ thời điểm cần thiết nào, hoặc đặt ra giới hạn về số lượng người được phép tụ tập ở công cộng hay phạt tài chính đối với những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Đức vốn được xem là một trong số ít quốc gia châu Âu chống dịch hiệu quả trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên vào mùa Xuân năm ngoái, song đã bị "hụt hơi" trong việc ứng phó với làn sóng dịch thứ hai. Quốc gia với khoảng 83 triệu dân này đã áp đặt thêm các biện pháp chống dịch, theo đó hạn chế các tiếp xúc xã hội và hỗ trợ các bệnh viện ứng phó với sự gia tăng số bệnh nhân nhập viện.
Hiện có hơn 5.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bộ phận chăm sóc tích cực trên toàn quốc. Đức đã đóng cửa các trường học và cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, các cơ sở văn hóa và giải trí cho tới ít nhất ngày 31-1 với hy vọng khống chế được đà lây lan của dịch bệnh.
Nhiều quốc gia khác như Thụy Sĩ, Áo, Canada, Nhật Bản… cũng đang chạy đua với thời gian nhằm khống chế dịch bệnh sớm nhất có thể, trong bối cảnh hệ thống y tế đứng trước nguy cơ sụp đổ do bị quá tải cả về nhân lực và vật lực.
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới đã vượt quá khả năng của các bệnh viện, cũng như các khách sạn được chỉ định là nơi cách ly cho những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Số bệnh nhân tử vong tại nhà đã bắt đầu cao hơn số tử vong tại các cơ sở y tế khi tình trạng sức khỏe của họ đột ngột xấu đi. Số người không thể tìm được nơi chữa trị sau khi mắc COVID-19 ở thủ đô Tokyo đã vượt mức 6.000 người.
Giới chức y tế Bồ Đào Nha cảnh báo hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này cũng đang bên bờ vực thảm họa. Tại thời điểm hiện nay, 670 trong tổng số 672 giường được phân bổ dành cho các bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện công đã kín chỗ.
Tính trên toàn quốc, Bồ Đào Nha chỉ có hơn 1.000 giường bệnh loại này, dành cho tất cả các bệnh nguy cấp. Trong khi đó, một số bệnh viện không thể cung cấp oxy với áp suất thích hợp cho các bệnh nhân và vấn đề này được dự báo có thể sẽ trở nên nguy cấp hơn trong những ngày tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 11-1. Ảnh: THX- TTXVN
Trước sự xuất hiện của những biến thể mới, cộng đồng quốc tế lo ngại về tính hiệu quả của các loại vaccine tiềm năng hiện nay. Đã có hơn 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được phân phối trên toàn thế giới và ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 61% dân số thế giới xúc tiến công tác tiêm chủng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học của WHO cảnh báo ngay cả khi các nước triển khai chương trình tiêm chủng đại trà, diện bao phủ của vaccine vẫn chưa đủ rộng để tạo khả năng miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.
Bên cạnh đó, chiến dịch chủng ngừa cũng vấp phải những khó khăn nhất định, đặc biệt là tại châu Âu – tâm dịch của thế giới, khi hãng dược phẩm Pfizer giảm nguồn cung vaccine để tập trung cải thiện năng lực sản xuất.
Giới chức y tế Italy cho biết nước này đã bị cắt giảm 29% nguồn cung vaccine từ Pfizer, đồng thời nhấn mạnh rằng sự chậm trễ trong công tác chuyển giao này gây tác động rõ ràng đến kế hoạch tiêm chủng vào thời điểm một số người bắt đầu cần tiêm mũi thứ hai bắt buộc (21 ngày sau mũi đầu tiên).
Ở thời điểm trước ngày 16-1, Italy triển khai tiêm cho trung bình 80.000 người-ngày, song sau ngày này, con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 28.000 người.
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đảm bảo đủ các ống tiêm đặc biệt để có thể chiết xuất được 6 liều từ mỗi lọ vaccine của Pfizer-BioNTech, trong nỗ lực tiêm chủng cho nhiều người hơn và tiết kiệm chi phí. Ban đầu loại vaccine này được bán trên thị trường EU theo lọ, với liều lượng mỗi lọ 5 liều tiêm, nhưng sau khi xem xét lượng vaccine trong mỗi lọ, cơ quan quản lý dược phẩm của EU ngày 8-1 đã cho phép chiết xuất 6 liều tiêm từ mỗi lọ vaccine.
Tại Mỹ - quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất toàn cầu, Tổng thống Joe Biden cho rằng việc triển khai tiêm phòng cho tới nay vẫn là một thất bại. Đến nay mới chỉ có hơn 31,1 triệu liều vaccine được phân phối tới các cơ sở y tế - thấp hơn khoảng 40% so với kế hoạch và mới chỉ có khoảng 10,5 triệu người (hơn 3% dân số) đã được tiêm một trong hai loại vaccine được Mỹ cấp phép là vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna, trong đó 1,6 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về vấn đề phân phối vaccine trên toàn cầu hiện nay, trong đó cho rằng thế giới đang bên bờ vực của "một sự thất bại nghiêm trọng về đạo đức". Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Ban Giám đốc điều hành WHO ngày 18-1, ông Ghebreyesus cảnh báo triển vọng phân phối công bằng số lượng vaccine theo cơ chế COVAX do WHO khởi xướng đang tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng, khi ngay từ đầu các nước giàu đã chiếm phần lớn nguồn cung các loại vaccine.
Theo ông, điều này có thể làm chậm trễ việc phân phối vaccine, đồng thời dẫn đến tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường vaccine, tiếp tục gây chia rẽ xã hội và kinh tế và hậu quả sau cùng là khiến đại dịch kéo dài. Ông kêu gọi cần ngừng ngay các thỏa thuận song phương giữa các nước giàu và các hãng sản xuất vaccine để có thể triển khai đúng đắn cơ chế COVAX từ tháng 2 tới và phân phối vaccine cho cả các nước nghèo.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: "Vaccine mang lại cho tất cả chúng ta hy vọng chấm dứt đại dịch và đưa kinh tế vào lộ trình phục hồi. Nhưng chúng ta chỉ có thể chấm dứt đại dịch khi chúng ta xóa sổ dịch bệnh này ở mọi nơi trên thế giới. Và để làm được điều đó, chúng ta cần mọi quốc gia thành viên, mọi đối tác và mọi nhà sản xuất vaccine cùng hợp lực".
Mặt khác, WHO khẳng định dù đã có vaccine nhưng người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác, tránh tâm lý chủ quan phó mặc cho vaccine và các chính phủ cần tiếp tục duy trì những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong giai đoạn mấu chốt này.
Ngày 23-1-2021 đánh dấu tròn một năm kể từ ngày Việt Nam phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên. Tới thời điểm này, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia khống chế COVID-19 thành công nhất trong năm 2020 khi chỉ có 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước và 35 ca tử vong.
Dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn luôn đề cao cảnh giác, tiếp tục thực hiện chiến thuật phòng, chống dịch “giữ thật chặt từ bên ngoài, tăng cường các giải pháp ở bên trong”, trong khi mọi người dân Việt Nam được khuyến cáo tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo y tế).
Một trong những sắc lệnh đầu tiên được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ký khi đặt chân vào Nhà Trắng ngày 20-1 là quy định đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang. Có thể nói, chừng nào virus SARS-CoV-2 vẫn còn tồn tại, chừng đó thế giới vẫn phải áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Theo THANH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)