Cảnh nghèo của một gia đình

19/04/2022 - 06:39

 - Căn nhà cũ kỹ, dột nát, cái tủ thờ có lẽ là vật dụng quý nhất trong gia đình vợ chồng anh Châu Ngọc No (sinh năm 1977, ngụ ấp Hòa Đông, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) nhưng cũng đã quá mục nát. Thế nhưng, đây lại là mái ấm của các thành viên trong gia đình. Niềm mong ước lớn nhất của vợ chồng anh No là có được mái nhà lành lặn để nuôi 5 đứa con ăn học thành người.

Dù nghèo nhưng vợ chồng anh No vẫn cố gắng lo 5 người con ăn học

Chỉ tay lên mái nhà lợp tole cất khoảng 16 năm, anh No cho biết, trời nắng có thể chịu nóng được, còn trời mưa cả nhà chỉ biết “chịu trận”. “Những hôm mưa to lúc nửa đêm, cả nhà không thể ngủ, vì không biết hứng nước mưa chỗ nào. Hết chỗ này dột đến chỗ kia, cả nơi ngủ mấy đứa nhỏ cũng ướt. Thấy mấy đứa con ngồi xúm xít nhìn mưa dột trên mái nhà, vợ chồng tôi xót xa lắm. Dù cố gắng làm lụng vất vả nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Sách vở, quần áo đến trường của tụi nhỏ đều nhờ người ta giúp đỡ. Niềm an ủi duy nhất với vợ chồng tôi là các con đều chăm ngoan, học khá, giỏi. Đó là “tài sản” quý nhất của chúng tôi!” - anh No buồn rầu chia sẻ.

Nguồn thu nhập chính của gia đình dựa vào công việc “ai kêu gì làm nấy”. Chồng thì cày thuê, cấy mướn, nhổ cỏ, cứ có chủ kêu là không ngại khó nhọc. Vợ thì giặt đồ, lau dọn nhà cửa cho các nhà trong xóm khi họ có nhu cầu. Ngày nào có việc làm, anh No được trả công khoảng 100.000 đồng/ngày, chị Hồ Thị Ngọc (41 tuổi, vợ anh No) cũng vậy. Thế nhưng, đâu phải ngày nào, vợ chồng cũng có việc làm. Có khi 3-4 ngày thậm chí cả tuần, không ai thuê, mướn làm gì. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh No thường mượn “gối đầu” tiền công của chủ ruộng (tức là ăn trước trả sau). Cứ có việc là vợ chồng anh cắm cúi làm hết sức để trả nợ. Nhưng tiền công không được bao nhiêu, còn lo cho các con ăn học nên số nợ khoảng 8 triệu đồng mà anh chị vẫn không sao trả dứt.

Anh chị có 6 người con. Cô con gái lớn đã lập gia đình, cuộc sống cũng khó khăn, phải làm công nhân xa nhà nên đứa con nhỏ cũng gửi anh chị nuôi dưỡng. Còn 5 người con của anh chị lần lượt đang học lớp 12, 9, 7, 5 và lớp 2. Đứa lớn dạy đứa nhỏ, chỗ nào có thể ngồi được trong nhà đều trở thành “góc học tập” của 5 anh em. Vậy đó mà cả 5 đều học khá, giỏi. Vách nhà xập xệ là nơi treo giấy khen, thành tích học tập của mấy anh chị em. Cứ mỗi lần chia sẻ về chuyện học của con, mắt vợ chồng anh No lại ánh lên niềm tự hào khôn xiết. Nhưng rồi niềm vui cũng đan xen nhiều nỗi lo, vì không biết ngày mai các con thế nào khi nhà cửa chật vật thế này. “Vợ chồng tôi ít học, không có ruộng đất, tài sản gì cho con. Thấy các con ý thức cảnh nghèo khó, chăm chỉ học hành, chúng tôi vừa mừng vừa lo, vì không biết sức mình có thể lo cho các con đến đâu. Nhưng dù thế nào, vợ chồng tôi cũng động viên nhau cố gắng làm lụng để con được đến trường, tương lai các con đỡ vất vả như ba mẹ!” - anh No quyết tâm.

Em Châu Gia Kiệt (con trai vợ chồng anh No) đang học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị trấn Phú Hòa). Học kỳ 1 vừa rồi, em đạt loại giỏi. Những năm học trước, em đều đạt học sinh giỏi hoặc tiên tiến. Ngoài giờ học, những khi ở nhà em đều phụ ba mẹ dạy các em học. "Em yêu thích ngành Công nghệ thông tin nhưng thấy gia cảnh không thể nào lo được nên sẽ thi vào ngành sư phạm để đỡ tốn tiền học phí cho ba mẹ" - Kiệt nói. Nghe con nói vậy, vợ chồng anh No thêm nghẹn lòng. “Nhiều khi không có ai thuê, mướn làm gì, mấy đứa nhỏ ăn cơm nguội đi học nhưng không hề than vãn câu nào” - chị Ngọc chia sẻ thêm.

“Các con của vợ chồng anh No đều học ở Trường Tiểu học “B” thị trấn Phú Hòa, nên chúng tôi hiểu rất rõ hoàn cảnh của gia đình. Biết gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, nhà trường hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em đến trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động tập, sách giáo khoa, quần áo cho 2 cháu đến trường dịp đầu năm học” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học “B” thị trấn Phú Hòa Lê Văn Cầu cho biết.

PHƯƠNG LAN