Cảnh sát Pháp tổ chức biểu tình tại đại lộ Champs Elysees ở thủ đô Paris. Ảnh: AP
Các tổ chức của cảnh sát đã đỗ hàng chục chiếc xe dưới chân Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe). Một chiếc xe tải mang áp phích có dòng chữ “Không cảnh sát, không bình yên”, trong khi một xe khác mang hình ảnh thương tích của cảnh sát do bị tấn công khi đang làm nhiệm với dòng chữ “Ai mới là người bị tàn sát?”
Cùng ngày, Sở cảnh sát Paris đã kêu gọi các doanh nghiệp và cửa hiệu nằm trong khu vực các quận từ Republique đến Opera đóng cửa trong ngày 13-6 do nguy cơ mất trật tự công cộng phát sinh từ một cuộc biểu tình sẽ được tổ chức trong ngày này. Các cửa hàng được khuyến cáo đóng kín các cửa sổ, trong khi giới chức địa phương được yêu cầu loại bỏ các vật thể có thể được người biểu tình sử dụng để phá hoại.
Đây là cuộc biểu tình nhằm phản đối cái chết của thanh niên da màu 24 tuổi Adama Traore, một nam công dân 24 tuổi, người Pháp da màu, đã tử vong trong chiến dịch của cảnh sát vào năm 2016. Các nhà điều tra Pháp khi đó đã bác bỏ cáo buộc nhằm vào cảnh sát, khẳng định rằng Traore đã tử vong sau khi lên cơn đau tim do tiền sử bệnh nền. Tuy nhiên, một kết quả điều tra khác do gia đình của Traore yêu cầu thực hiện được công bố hồi đầu tuần này đã cho thấy nạn nhân tử vong sau khi nghẹt thở do hành động trấn áp của cảnh sát.
Trước đó, ngày 8/6, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cam kết sẽ xóa sổ tình trạng bạo lực và phân biệt chủng tộc trong giới cảnh sát.
Theo số liệu công bố ngày 8-6, giới chức Pháp cho biết các đơn thư phàn nàn về lực lượng cảnh sát trong năm 2019 đã tăng 23,7% so với năm trước đó. Trong số này 1.460 đơn thư liên quan vấn đề điều tra tư pháp và 868 đơn thư liên quan "hành vi bạo lực cố ý".
Theo PHƯƠNG OANH (TTXVN)