Cây đào lộn hột có thể cho trái sau 8-10 năm trồng. Chúng tự lớn lên, chẳng cần chăm sóc gì nhiều ngoài việc thi thoảng rải phân, làm cỏ xung quanh. Ấy vậy mà nhánh và rễ cây vẫn cứ ngoằn ngoèo vươn ra xa, mang theo sức sống mãnh liệt. Tháng 11 (âm lịch), cây trổ bông, kéo dài đến qua Tết thì kết trái. Đến mùa Vía Bà (tháng 4 âm lịch), coi như hết đào.
Khổ nỗi, thời tiết ngày càng thay đổi, nắng mưa thất thường, cây đào phải oằn mình chống chịu. Mỗi năm, chẳng ai đoán trước sẽ “thất” hay “trúng”, riết rồi họ nản lòng với đào lộn hột.
Lúc trúng, sáng sớm người dân rủ nhau lên núi gánh hột đào, đến chiều tối mới xong. Khi thất, nắng chát mái đầu, cây nào chịu nổi mà đậu trái! Cũng may, trong mấy chục công đất núi, người dân trồng xen các loại cây ăn trái khác, mùa nào thức nấy. Nếu đào lộn hột không lo nổi cuộc sống cho con người, thì còn xoài, vú sữa… “gỡ” lại, không đến mức thiếu đói.
Đào lộn hột được bày bán
Người ta tiếc hột đào vì chúng có giá trị kinh tế cao, chỉ có điều, nhiều khi chẳng có hột mà bán! Phần thịt (cuống) đào vàng ươm, thơm phức, thấy ham lắm. Nhưng cho đám trẻ con ăn, chúng háo hức cắn một miếng, rồi nhả ra. Phần xơ ngập nước, có khi chát tưa lưỡi, ăn chẳng thú vị gì. Bỏ đầy một rổ, bày bán mấy ngàn mà có ai hỏi mua! Nhiều lý do đến thế, nào ai muốn trồng một loại cây “vô dụng”, trong khi nhiều thứ khác có giá trị kinh tế hơn? Thế là cây bị hạ dần, dù có lưu luyến đến mấy.
Anh Trần Phước Thọ (sinh năm 1988, ngụ tổ 10, ấp Phú Hòa, xã An Phú, Tịnh Biên) nhớ lại: “Mẹ tôi trồng xen nhiều loại cây, khoảng hơn 15 công đất, trong đó có đào lộn hột. Giờ chúng trở thành “cổ thụ”, gốc nào cũng 20-30 năm tuổi. Nhưng tổng kết lại, năng suất từ đào không thể nuôi sống gia đình. Nhiều người xung quanh tôi chặt cây đào, trồng xoài cát Hòa Lộc. Năm ngoái, tôi đặt 200 gốc hồng quân, tính trồng thay thế đào. Tự dưng đào có giá lại, tôi không nỡ hạ”.
Năm ngoái, trúng mùa, cây đào tệ nhất cũng cho được 2-3 triệu đồng. Cả nhà anh Thọ bẻ trái, tách hột, sơ chế thịt đào… đến 9 giờ đêm chưa xong. Trời chẳng chiều lòng người, năm nay đào lại thất! Hai tuần trước, chúng tôi thả dọc theo ấp Phú Hòa, thấy đào được bày bán xôm tụ một đoạn dài. Vậy mà khi quay lại, chỉ còn vài chỗ bán, số lượng khá ít. Người dân bảo, giờ mót dữ lắm chỉ được có 2-3 rổ, có bao nhiêu đều được mua ráo trọi.
Tôi thắc mắc: sao giờ đào lại hút khách? Anh Thọ bật cười: “Thì người ta thèm ăn nên tìm mua! Phần thịt ăn với nước mắm đường coi như là một món trái cây khoái khẩu, sẽ không còn vị chát nữa. Muốn ăn ngon hơn thì xé nhỏ ra, muối trong keo. Khi nào ăn, bóp cho khô nước, mất mùi đào, rồi thêm gia vị, xào lên, thành món ăn chay ngon lành. Hoặc lấy nước đào, nấu lại làm thuốc trị bệnh bao tử. Nghe nói, có người chế biến rượu đào thành công, nhưng không biết cách thức cụ thể ra sao. Giá đào muối từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thịt đào khoảng 20.000 đồng/rổ, hột đào có khi vượt mức 30.000 đồng/kg. Nói chung là tạm ổn”.
Theo UBND xã An Phú, trước đây, người dân trồng khá nhiều đào. Hiện nay, toàn xã còn 12,44ha, tập trung tại ấp Phú Hòa, Phú Hiệp. Loại cây này chỉ thích ứng trên đất gò cao, không chịu úng. Nhiều lần, địa phương vận động người dân chuyển đổi trồng cây ăn trái khác như: xoài, quýt… để mang lại thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, vẫn có người quyết định giữ lại.
Ông Nguyễn Văn Huệ (sinh năm 1966) là một trong những người còn sở hữu nhiều gốc đào. Trước cửa nhà ông có cây đào khoảng 40 năm tuổi, cành lá che rợp khoảng sân rộng. Ông không nhớ xuể mình có tổng cộng bao nhiêu gốc đào trên núi, vì số cây này do cha vợ ông trồng nhiều năm trước. Ông chỉ tỉa bớt cây nào cho trái nhỏ, hột xấu, chừa cây “ngon”. 2-3 năm nay, giá cả đỡ hơn trước, ông gom số lượng lớn bán cho vựa, còn chút ít thì bày bán trước cửa nhà cho khách vãng lai.
“Cây đang có giá, mình hạ chúng rồi biết trồng cây gì? Tôi “mê” đào lắm, nên đang nhân giống, tiếp tục trồng thêm một ít nữa” - ông Huệ khẳng định.
Cây đào phát triển rất tốt trên vùng đất núi
Có lẽ, khi bài viết này đến với bạn đọc thì đào lộn hột đã vãn mùa. Năm sau, nếu có dịp, hãy thử một lần ngắm đào vàng ươm 2 bên đường, thưởng thức thú mua đào bằng… rổ, nhấm nháp hương vị nồng thơm xen lẫn chan chát, ngọt ngọt và yên tâm về độ sạch của chúng (do không có phân thuốc). Hãy lắng nghe người dân trải lòng về cây đào của họ, để biết người ta chắt chiu, thương quý và băn khoăn về loại quả này đến mức nào!
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG