Châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 13 triệu người mắc COVID-19

11/11/2020 - 07:55

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 10-11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 51.407.005 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.271.844 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 36.198.734 người.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 244.519 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 10.428.517 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 127.133 ca tử vong trong số 8.594.698 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 162.638 ca tử vong trong số 5.675.766 bệnh nhân.

Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 114 người không qua khỏi. Tiếp đến là Peru (với tỷ lệ 106 người), Tây Ban Nha - 84 người và Brazil - 77 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 13 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 311.000 ca tử vong. Mỹ Latinh và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, với hơn 413.800 ca tử vong trong hơn 11,67 triệu ca nhiễm. Trong khi đó, Bắc Mỹ có khoảng 249.000 ca tử vong trong trên 10,3 triệu ca nhiễm. Châu Á có gần 179.000 ca tử vong trong trên 11,1 triệu ca nhiễm; Trung Đông ghi nhận gần 66.000 ca tử vong; châu Phi - trên 45.600 ca tử vong, và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại Dương là trên 1.000 ca.

Trong ngày 10/11, Văn phòng Tổng thống Palestine thông báo Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán của Palestine, ông Saeb Erekat, đã qua đời ở tuổi 65 vì các biến chứng do mắc COVID-19. Ông Saeb Erekat từng được phẫu thuật cấy ghép phổi tại Mỹ 3 năm trước đây, điều này khiến hệ miễn dịch của ông suy yếu.

Mỹ có thêm một quan chức trong Nhà Trắng cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông David Bossie, 55 tuổi, một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang tự cách ly tại nhà riêng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 8/11 vừa qua. Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cùng Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Ben Carson, cũng như một loạt nhân viên và quan chức Nhà Trắng, cũng đã được xác nhận dương tính với virus SARS-COV-2.

Chú thích ảnh

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi những người tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto tự cách ly trong vòng 14 ngày tại nhà một cách nghiêm túc để ngăn chặn nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Thủ tướng Hun Sen cũng đồng thời kêu gọi người dân không nên hoảng loạn khi khẳng định tình hình đang được kiểm soát tốt. Hiện bản thân ông đang tự cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày 4/11.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó đã được xác nhận có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Bangkok (Thái Lan) sau khi rời Phnom Penh ngày 3/11, kết thúc chuyến thăm chính thức Campuchia một ngày. 

Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tiếp tục tăng ở mức 3 con số vào ngày 10/11, khiến giới chức y tế nước này phải cân nhắc tăng mức giãn cách xã hội. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 100 ca nhiễm mới, trong đó 71 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 27.653 ca. Trước đó, trong các ngày 8-  9/11, Hàn Quốc cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới lần lượt là 126 và 143 ca. Ngoài ra, Hàn Quốc còn thông báo có thêm 5 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 485 ca.

Hiện Hàn Quốc đang áp đặt cơ chế giãn cách xã hội ở mức 1, mức thấp nhất trong thang gồm 5 cấp độ. Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc lại lo ngại rằng nước này có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng cơ chế giãn cách xã hộ cấp độ 1,5 trên toàn quốc nếu số ca nhiễm mới theo ngày không sớm giảm xuống. Hiện các thành phố Asan và Cheonan ở miền Trung Hàn Quốc đã phải áp đặt cấp độ 1,5.

Nepal thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân, trong bối cảnh tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Á này đã vượt mốc 200.000 ca. Thông tin trên được đưa ra sau phán quyết hồi tuần trước của Tòa án Tối cao Nepal yêu cầu điều trị miễn phí cho các bệnh nhân COVID-19.

Trước khi tòa án đưa ra phán quyết này, Chính phủ Nepal yêu cầu công dân có đủ khả năng tài chính thanh toán chi phí xét nghiệm và điều trị, chính phủ chỉ xét nghiệm và điều trị miễn phí cho các trường hợp khó khăn. Các chuyên gia cho biết nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 ở Nepal đã lựa chọn tự cách ly tại nhà thay vì phải đóng khoản tiền đặt cọc tới 150.000 rupee Nepal (khoảng 1.266 USD) khi nhập viện. Điều này dẫn đến tình trạng ít người đến xét nghiệm hơn và khó truy vết tiếp xúc, từ đó khiến số ca lây nhiễm tăng nhanh. Hiện Nepal ghi nhận trên 197.000 ca mắc COVID-19, trong đó trên 1.100 ca tử vong.

Chú thích ảnh

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Italy thông báo mở rộng biện pháp siết chặt tại vùng Tuscany và 4 khu vực khác nhằm kiềm chế làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại nước này. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11/11. Hồi tuần trước, Chính phủ Italy đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm và phân chia các khu vực theo màu dựa theo mức độ nghiêm trọng của các ổ dịch COVID-19, qua đó ban hành một số hạn chế bổ sung phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng vùng.

Theo quy định mới, vùng Tuscany, gồm các thành phố như Florence và Siena, cùng vùng Liguria; Abruzzo; Umbria và vùng miền Nam Basilicata, được phân loại là vùng da cam. Tại những khu vực này, các quán bar, nhà hàng buộc phải đóng cửa, trong khi cửa hàng được phép hoạt động. Người dân chỉ được phép đi lại trong thành phố. Trong khi đó, thành phố Milan và phần lớn khu vực công nghiệp ở phía Bắc Italy được xếp vào vùng đỏ và phải thực hiện  phong tỏa một phần.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Podgorica của Montenegro thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố này trong bối cảnh giới chức y tế nỗ lực kiểm chế sự bùng phát dịch COVID-19 một tuần sau khi nhiều người đến dự lễ tang của một giám mục tại đây. Quy định mới bao gồm lệnh giới nghiệm từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đồng thời cấm người dân tại Podgorica cũng như tại thành phố Cetinje đến thăm hoặc gặp mặt nhau. Nhà hàng, quán bar buộc phải dừng hoạt động. C

ác biện pháp trên được đưa ra sau khi Montenegro ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trong những tuần qua, khiến quốc gia vùng Balkan này là một trong những nước có tỷ lệ mắc cao nhất châu Âu. Chỉ trong hai tuần qua, Montengro đã ghi nhận 5.300 ca mắc mới, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình này "đáng báo động".

Liên quan công tác bào chế vaccine phòng ngừa dịch bệnh, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép việc sử dụng khẩn cấp phương pháp điều trị kháng thể COVID-19 thử nghiệm của công ty Eli Lilly, vốn được Tổng thống Donald Trump ca ngợi và cam kết cung cấp miễn phí cho mọi người dân Mỹ. Theo FDA, quyết định vừa đề cập dựa trên những cuộc thử nghiệm lâm sàng, cho thấy phương pháp của Eli Lilly, được gọi là bamlanivimab, đã cắt giảm nhu cầu nhập viện hoặc phòng cấp cứu từ các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ trở nặng cao. Phương pháp này có thể được sử dụng để điều trị những triệu chứng mắc bệnh từ thể nhẹ đến trung bình ở người lớn và các bệnh nhân nhi ở độ tuổi từ 12 trở lên.

Chú thích ảnh

 Nhân viên y tế Israel tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người tình nguyện tại Jerusalem. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Cơ quan giám sát y tế Brazil (Avisa) cho biết đã dừng các thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine CoronaVac do Trung Quốc phát triển sau một "sự cố nguy hại" liên quan đến một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Đây được coi là đòn mạnh giáng vào một trong những vaccine phòng COVID-19 có tiềm năng nhất.

Trong một tuyên bố, Avisa cho biết rằng cơ quan này đã "quyết định dừng thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine CoronaVac sau một sự cố nguy hại nghiêm trọng" xảy ra vào ngày 29/10. Mặc dù không cung cấp thông tin chi tiết về những gì đã xảy ra do quy định về quyền riêng tư nhưng những sự cố như vậy thường sẽ gồm tử vong, các phản ứng dẫn tới nguy cơ tử vong, gây tàn tật nặng, phải nhập viện, dị tật bẩm sinh và các "trường hợp lâm sàng nghiêm trọng khác".

Nhiều nước đang thúc đẩy các cuộc đàm phán mua các loại vaccine tiềm năng cũng như khuyến khích người dân tham gia tiêm phòng vaccine ngừa bệnh COVID-19.

Truyền thông Đức đưa tin EU đã hoàn tất việc đàm phán hợp đồng mua vaccine với hai công ty dược BioNTech của Đức và Pfizer của Mỹ, sau khi hai hãng này thông báo loại vaccine ngừa COVID-19 của họ cho hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối đang được tiến hành. Theo thỏa thuận, hai hãng này sẽ cung cấp 200 triệu liều vaccine cho châu Âu, trong đó Đức có thể nhận được 100 triệu liều. 

Israel cũng đang trong quá trình đàm phán mua vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Pfixer (Mỹ) cùng đối tác BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất. Hiện nước này cũng phát triển vaccine ngừa COVID-19 của riêng mình, tuy nhiên, vaccine này mới ở giai đoạn chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng.

Theo THANH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)