Thế nhưng cũng đã xuất hiện một hiện tượng đáng lo ngại, là càng đơn giản thủ tục thì càng xuất hiện lỗ hổng để tội phạm lợi dụng. Thậm chí có sự bắt tay giữa tội phạm và chính cá nhân trong các tổ chức cho vay tiền hay bán sản phẩm trả góp.
Ba tháng, lừa đảo trên 1,5 tỷ đồng
Màn kịch lừa đảo này có 4 "đạo diễn, diễn viên", gồm: Nguyễn Thanh Tuyền (24 tuổi, quê quán xã Phước Liễu, huyện Quế Võ, Bắc Ninh), Nguyễn Thị Mỹ Hà (39 tuổi, trú ở phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), Nguyễn Văn Anh (26 tuổi) và Trần Ngọc Trung (33 tuổi), cùng trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Các đối tượng trong vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng do Công an quận Long Biên khám phá.
Khoảng 13h ngày 14-4-2018, từ tin báo của người dân, trinh sát Đội Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã kiểm tra hành chính 1 đối tượng nghi vấn đang tiến hành thủ tục rút tiền tại Bưu điện Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm. Nguyễn Văn Anh - danh tính nam thanh niên nghi vấn - ngay sau đó bị xác định đã dùng giấy Chứng minh nhân dân giả mang tên Trần Xuân Duy (SN 1991, quê quán Hạ Hòa, Phú Thọ) để rút 25 triệu đồng của một ngân hàng qua hệ thống bưu điện.
Cùng thời điểm này, 2 đồng phạm của Văn Anh là Trần Ngọc Trung và Nguyễn Thị Mỹ Hà đang đứng chờ gần đó để đợi Văn Anh mang "thành quả" về, đã bị tổ công tác Đội CSHS CA quận Long Biên bắt giữ. Khai thác "nóng", cơ quan Công an xác định chính Nguyễn Thị Mỹ Hà đã thuê Văn Anh và Trung đến bưu điện rút tiền.
Đáng chú ý, đối tượng Hà còn là "tác giả" của màn kịch lừa đảo diễn ra trong thời gian khá dài, chiếm đoạt được số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng thông qua dịch vụ cho vay tiền bằng thẻ sim điện thoại. Từ lời khai của Hà, bước đầu, nhân vật thứ tư trong vụ án đã hé lộ và đến cơ quan Công an đầu thú, là Nguyễn Thanh Tuyền.
Cuối năm 2017, qua mối quan hệ xã hội, Hà quen biết Tuyền, là nhân viên tư vấn, bán hàng của một công ty TNHH hoạt động trong lĩnh vực tín dụng. Nhan sắc trung bình, nhưng Hà có tài ăn nói, đặc biệt hay khoe về mối quan hệ với các bạn trẻ có nhu cầu vay tiền hay mua hàng trả góp. Câu chuyện tưởng như bâng quơ đó không ngờ đã gãi đúng chỗ ngứa của Tuyền. Do mới được tuyển dụng vào vị trí tư vấn, bán hàng, nôm na là phải đạt được chỉ tiêu khai thác tìm kiếm khách hàng vay tiền tín chấp bằng thẻ sim điện thoại Viettel, với hạn mức từ 25 đến 50 triệu đồng; nên khi nghe thông tin của Hà, Tuyền như bắt được vàng.
Tuy nhiên trong câu chuyện về sau đó, Hà đã gợi mở cho Tuyền cách kiếm tiền vượt ngoài chỉ tiêu; nghĩa là không chỉ vẫn đủ doanh số để được lĩnh lương và được thưởng, mà còn có thêm khoản thu ngoài luồng. Đó là lập hồ sơ vay vốn bằng cách giả mạo thông tin khách hàng, từ đó qua mặt đơn vị trung gian để chiếm đoạt tiền của tổ chức tín dụng.
Kịch bản diễn ra như sau: Hà sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm thông tin, hoàn thiện hồ sơ giả mạo, gồm chứng minh nhân dân giả, hộ khẩu giả và số điện thoại khách hàng… cũng giả. Về chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, điều tra viên thụ lý vụ án cho biết, đối tượng Hà khai là mua trôi nổi ở các hiệu cầm đồ. Còn với những số điện thoại giả, Hà đặt mua sim "rác", rồi sắm chiếc điện thoại di động "made in China" có chức năng thay đổi, gây "méo" giọng nói"; kích hoạt trao đổi khi nhân viên của công ty cung cấp dịch vụ cho vay vốn gọi đến tham vấn.
Phía Tuyền có trách nhiệm hoàn thiện các bộ hồ sơ, lập hợp đồng khống, tự ký vào phần "khách vay" rồi chuyển dữ liệu vào hệ thống để cán bộ tín dụng thẩm định.
Mỗi bộ hợp đồng khống trót lọt và khi thông báo để khách hàng đến nhận tiền được chuyển đi, Hà sẽ thuê người đóng vai khách hàng, sử dụng chứng minh nhân dân giả, đến rút. Nguyễn Văn Anh và Trần Ngọc Trung chính là 2 kẻ đóng thế.
Từ đầu năm 2018 đến khi bị bắt, 4 "đạo diễn, diễn viên" này đã thiết lập khoảng 80 - 90 hồ sơ vay vốn, trong đó có khoảng 60 hồ sơ đã được giải ngân với số tiền 1,5 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, mỗi hồ sơ nếu vay được Hà sẽ cắt lại cho Tuyền 500.000 đồng. Ngoài ra, để tránh bị phát hiện và không ảnh hưởng đến định mức của Tuyền, Hà sẽ lo nộp tiền lãi 3 tháng đầu. Số tiền phù hợp cũng được Hà thỏa thuận trả công đóng thế nhận tiền cho các đối tượng Văn Anh và Trung.
"Hổng" từ chính người trong cuộc
Mừng vì sự năng động, mạnh dạn của các tổ chức tín dụng hay các đơn vị cung cấp sản phẩm với dịch vụ mua bán tín chấp, giúp người dân có thêm cơ hội để sắm sửa hay có khoản tiền nhất định để giải quyết công việc; thì lại… lo bởi đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở của loại dịch vụ này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có xu hướng gia tăng.
Tang vật vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng.
Điều tra viên CAQ Long Biên nhìn nhận, "tín chấp" vay tiền bằng thẻ sim điện thoại là hình thức tín dụng còn nhiều sơ hở. Ngay cả khi các nhà mạng, các cơ quan quản lý thời gian gần đây đã và đang triển khai nhiều biện pháp để quản lý, thì trên thị trường, vẫn còn không ít sim "rác" trôi nổi, và không loại trừ những trường hợp bị lợi dụng hoặc cố tình "bắt tay", cho đối tượng xấu mượn sim.
Tất nhiên, sim điện thoại mới chỉ là điều kiện cần. Để vay được tiền, hay mua hàng trả góp, thường thì các đơn vị cung ứng sản phẩm, tổ chức tín dụng sẽ yêu cầu phải có giấy tờ tùy thân, hoặc hộ khẩu. Thực tế cho thấy, mấy loại giấy tờ này chỉ có ý nghĩa với người ngay; còn kẻ xấu, chúng có muôn vàn cách để sở hữu hộ khẩu hay chứng minh nhân dân… chẳng phải của mình.
Đơn vị cung cấp sản phẩm hay tổ chức tín dụng vốn đã không đủ thiết bị và cả kỹ năng để nhận biết giấy tờ giả, lại thêm tình tiết có "tay trong" như vụ án chiếm đoạt 1,5 tỷ mà CA quận Long Biên vừa khám phá, thì quả thực, mất tiền chỉ là vấn đề sớm hay muộn, nhiều hay ít! Quy định khi lập hồ sơ, hợp đồng đối với khách vay tiền là phải đối chiếu người thực, việc thực, và có giấy tờ gốc. Song, nhân viên tư vấn, bán hàng Nguyễn Thanh Tuyền đã bất chấp những quy định ấy, tiếp nhận thông tin khách hàng do Nguyễn Thị Mỹ Hà gửi đến qua zalo, facebook, mà vẫn không bị đơn vị chủ quản phát hiện, ngăn chặn sớm.
Thêm một sơ hở nữa ở khâu thẩm định của cán bộ tín dụng, chỉ là mỗi động tác gọi điện thoại di động theo các số tham vấn trong hợp đồng. Thế là giải ngân! Có thông tin cho rằng, tổ chức tín dụng đã mua bảo hiểm đối với tiền cho vay, nếu có thất thoát cũng sẽ do bên bảo hiểm lo, nên chẳng ngại(?!).
Một vụ án có "tay trong" khác mới đây cũng đã bị CQĐT Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện, xử lý, liên quan đến đối tượng Vũ Thị Thanh Hương (31 tuổi, trú ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) và Hoàng Thị Dung (27 tuổi, quê quán Tiên Lữ, Hưng Yên).
Lợi dụng nhu cầu vay vốn của nhiều cá nhân, Hương mở hiệu cầm đồ tại địa bàn huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Những người có nhu cầu vay tiền sẽ được Hương yêu cầu mang chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu gốc để làm thủ tục mua xe SH dưới hình thức trả góp tại cửa hàng Honda Hợp Thành, ngã tư Phố Nối, huyện Mỹ Hào.
Sau đó, Hương cấu kết với Hoàng Thị Dung, nhân viên tư vấn tín dụng của một ngân hàng lập hồ sơ khống, để ngân hàng giải ngân cho vay tiền. Toàn bộ thủ tục mua xe trả góp Hương đứng ra lo và trả trước 30%; 70% số tiền còn lại, người vay phải trả. Sau khi hoàn thành thủ tục mua xe trả góp, Hương đã hợp thức hóa hóa đơn của chiếc xe đứng tên cô ta rồi mang bán để lấy tiền ăn tiêu. Cho đến khi bị lộ, CQĐT xác định Hương đã lừa đảo chiếm đoạt 10 chiếc xe SH, với trị giá lên đến gần 500 triệu đồng.
Trong những vụ án kiểu này, ngoài thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội còn phải kể đến sự buông lỏng quản lý, chưa chú trọng tuyên truyền, phòng ngừa trong nội bộ các công ty tài chính, tổ chức tín dụng. Nhiều trường hợp, thông tin trên chứng minh nhân dân và hộ khẩu không trùng khớp, hay ảnh trong chứng minh và người đến làm thủ tục hoàn toàn khác nhau, song vì doanh số bán hàng, các nhân viên đã vô tình, thậm chí cố ý bỏ qua...
Vụ án đối tượng Trương Thị Thùy Linh (33 tuổi, trú ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội), bị CQĐT CATP Hà Nội khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là một ví dụ. Lợi dụng sơ hở của nhân viên bán hàng trả góp, Linh đã sử dụng chứng minh nhân dân và hộ khẩu của người khác, thay ảnh cô ta vào rồi đi mua điện thoại trả góp.
Lần đầu, Linh đến cửa hàng FPT shop thuộc hệ thống cửa hàng của công ty bán lẻ FPT tại 46 Hồ Tùng Mậu (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), đóng vai Lê Hồng Vân (ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) mua điện thoại. Linh xuất trình 1 bản photocopy chứng minh nhân dân mang tên Lê Hồng Vân và 1 bản photocopy hộ khẩu có tên Lê Hồng Vân để làm thủ tục vay vốn trả góp, mua điện thoại iPhone 6.
Đối chiếu ảnh trên chứng minh nhân dân mang tên Lê Hồng Vân với Linh thấy giống nhau, nhân viên bán hàng đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cho Linh mua trả góp chiếc điện thoại trị giá gần 17 triệu đồng, trong đó Linh trả trước 50%.
Thấy việc sử dụng giấy tờ giả mua hàng trả góp dễ dàng, mấy ngày sau, Linh tiếp tục giả danh Lê Hồng Vân quay lại cửa hàng trên. Lần này, Linh giới thiệu có bạn là Mai Xuân Hải đã được duyệt hợp đồng online mua điện thoại Samsung Galaxy A7; nhưng do Hải bị ốm nên nhờ Linh đến làm thủ tục hộ. Linh xuất trình 1 bản photocopy giấy phép lái xe và photocopy chứng minh nhân dân mang tên Mai Xuân Hải ở phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
Từng bán hàng cho Linh nên nhân viên của cửa hàng không chút nghi ngờ, chụp ảnh Linh tại thời điểm giao dịch, đồng thời cho Linh ký tên Mai Xuân Hải trên các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo hiểm, giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ… Sau khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục vay vốn mang tên Mai Xuân Hải, Trương Thị Thùy Linh đã nộp khoản tiền trả trước mua điện thoại di động Samsung Galaxy A7 là 2 triệu đồng/ tổng giá bán gần 8,5 triệu đồng.
Hành vi phạm tội của Linh chỉ bị lộ khi tổ công tác CAP Láng Hạ, quận Đống Đa qua kiểm tra hành chính nơi Linh thuê trọ tại một nhà nghỉ trên địa bàn, tìm thấy 28 chứng minh nhân dân, 1 sổ hộ khẩu mang tên ông Lê Quốc Tuấn (bố đẻ chị Lê Hồng Vân - người mà Linh đã mạo danh), 11 giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế có dấu hiệu bị cắt dán, tẩy xóa.
Cơ quan Công an qua đấu tranh đã thu thập đủ tài liệu, chứng cứ xác định Trương Thị Thùy Linh đã sử dụng giấy tờ giả để ký hợp đồng tín dụng mua trả góp điện thoại, chiếm đoạt tổng số tiền hàng chục triệu đồng.
Qua các vụ án đã xảy ra, cơ quan Công an khuyến cáo các cửa hàng kinh doanh, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại có bán hàng trả góp cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra, xác minh kỹ các loại giấy tờ của khách hàng.
Về phía các công ty - tổ chức tín dụng, phải kiểm tra kỹ các hồ sơ mua hàng dưới hình thức trả góp. Trường hợp nghi ngờ cần phối hợp thông tin đến cơ quan Công an nơi gần nhất, để ngăn ngừa, bắt giữ tội phạm. Điều quan trọng nữa là các đơn vị kinh doanh cần chia sẻ thông tin phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng để cùng nhau tự phòng ngừa, tự bảo vệ. Không thể thiếu yêu cầu nữa, là có biện pháp quản lý chặt nhân sự, các khâu thẩm duyệt hồ sơ…
Theo HƯƠNG HÀ (Công An Nhân Dân)