Chiều công viên

11/03/2023 - 09:23

 - Khoảng không gian ấy, thời gian ấy mang lại cảm xúc bình yên hiếm hoi cho người phố thị. Sau khi buông bỏ công việc của ngày dài, buông bỏ những mệt nhoài của đời sống, mọi người tìm đến công viên để giải trí, thư giãn, để được sống cho chính mình.

Với thanh niên, công viên là sân đá banh, là… “khu liên hợp thể thao” miễn phí. Dĩ nhiên, công viên chẳng đủ rộng rãi, thiếu trang thiết bị cần thiết. Bù lại, nơi đây tràn ngập sự thoải mái và tiếng cười gắn bó. Trong nhóm này, có học sinh trung học cơ sở, có bạn đang là sinh viên cao đẳng, cũng có lứa tuổi trung niên. Niềm đam mê trái bóng tròn mang họ đến gần nhau.

Một nhóm thanh, thiếu niên khác lại mê mải cùng chiếc ván trượt. Đã tiếp cận môn thể thao năng động này một thời gian, nên các em mạnh dạn hơn, chọn khu vực có nhiều bậc thang, khúc cua để tập luyện nâng cao. Các động tác được lặp đi lặp lại cho thật thuần thục, như đập đuôi ván, trượt bằng đuôi ván, dùng chân bắt ván, xoay người lật ván…

Mấy năm gần đây, hầu hết công viên trên địa bàn tỉnh An Giang đều được lắp đặt trang thiết bị tập luyện thể dục, tạo điều kiện để toàn dân tham gia rèn luyện sức khỏe. Mọi người gạt bỏ sự ngại ngùng nơi công cộng, chú tâm tập luyện “kiếm chút mồ hôi” hoặc vừa tập vừa “tám chuyện” cùng nhau.

Công viên là điểm hẹn lý tưởng để gặp gỡ bạn bè, người yêu nhau vào chiều mát. Trong câu chuyện của họ, có tiếng rì rào của dòng sông trước mặt, có tiếng huyên náo sau lưng. Tất cả gom lại thành những giây phút bình yên, nhẹ nhàng ở đô thị Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Nhưng có lẽ, thích đến công viên dạo mát nhất là đám trẻ con. Chúng được thoải mái nhìn ngắm phố phường, ngắm người qua lại, ngắm các hoạt động phong phú ở công viên, khác hẳn với nhà mình.

Công viên là nơi chứng kiến những bước đi, bước chạy đầu tiên của đám trẻ ấy. Đôi khi, công viên còn chứng kiến mỗi lần vấp ngã và từng ngày chúng lớn lên. Ký ức gắn bó sẽ làm công viên trở nên thân thuộc trong tâm thức mọi người, dù có đi đâu, làm gì chăng nữa.

Trẻ con gắn bó với công viên một, thì người lớn đi cùng trẻ lại gắn bó đến mười. Họ vốn quen thuộc với nơi mình sinh sống, giờ lại càng bám gốc bám rễ, chắt chiu tình cảm cho thế hệ tiếp nối.

Bà Tư (66 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) nửa đời phiêu bạt xứ người. Gần đây, mẹ bệnh nhiều, bà quyết định bỏ tất cả, trở về chăm sóc. Chiều chiều, bà đẩy xe trái cây ra công viên gần nhà bán, chờ tụi học sinh tan học mới kết thúc ngày mưu sinh. Với bà, công viên là nơi buôn bán rất thuận lợi, cũng là nơi hội tụ tâm tình của con người, như cuộc sống muôn màu vốn có…

KHÁNH ĐĂNG