Khói bốc lên sau cuộc không kích nhằm vào vị trí của lực lượng Houthi tại Sanaa, Yemen. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 14/8, Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận đã kêu gọi Liên hợp quốc chuyển văn phòng đại diện đến thành phố Aden sau khi Phong trào Houthi chiếm giữ văn phòng của họ tại thủ đô Sanaa và bắt giữ hàng chục nhân viên của các tổ chức quốc tế.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Thông tin Yemen, ông Moammar al-Eryani viết: "Chúng tôi nhắc lại văn phòng đại diện của Liên hợp quốc, tất cả các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Yemen... ngay lập tức chuyển trụ sở đến Aden - thủ đô tạm thời của Yemen và các khu vực đã được giải phóng."
Bộ trưởng Eryani nhận định việc lực lượng Houthi đột nhập Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc ở Sanaa hôm 3/8 vừa qua là "diễn biến nghiêm trọng" xảy ra gần 2 tháng sau làn sóng bắt cóc do lực lượng này phát động.
Bộ trưởng Eryani cũng nhấn mạnh đây là hành động gây cản trợ hoạt động của các tổ chức nhân đạo và quốc tế tại những khu vực do Houthi kiểm soát. Do đó, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, gây sức ép buộc Houthi thả các nhân viên Liên hợp quốc bị giam giữ.
Trước đó, ngày 13/8, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc ở Sanaa xác nhận các tay súng Houthi đã đột nhập văn phòng này hôm 3/8 và buộc nhân viên phải giao nộp chìa khóa văn phòng cùng toàn bộ tài sản.
Vào tháng 6 năm nay, phong trào này cũng đã bắt giữ 13 nhân viên Liên hợp quốc, 1 nhân viên đại sứ quán và hơn 50 viên của các tổ chức phi chính phủ. Hồi tháng 11/2021 và tháng 8/2023, 2 nhân viên khác của cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc cũng bị bắt làm con tin.
Xung đột tại Yemen nổ ra vào năm 2014 khi lực lượng Houthi chiếm giữ một số tỉnh ở miền Bắc nước này, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải rời khỏi thủ đô Sanaa. Một năm sau đó, liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp để hỗ trợ Chính phủ Yemen.
Cuộc xung đột dai dẳng này đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, đồng thời gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới. Giao tranh đã giảm đáng kể từ khi Liên hợp quốc hồi tháng 4/2022 đàm phán về lệnh ngừng bắn có hiệu lực trong vòng 6 tháng./.
Theo TTXVN/Vietnam+