Chinh phục vồ Bồ Hong

09/12/2022 - 04:43

 - Là vị trí cao nhất trên núi Cấm, vồ Bồ Hong sở hữu khí hậu trong lành cùng tầm nhìn thoáng đãng ra thiên nhiên hùng vĩ của vùng Bảy Núi. Do đó, khá nhiều khách hành hương luôn cố gắng đến đỉnh Bồ Hong để trải nghiệm cảnh sắc của nơi đây, và sống trong không khí linh thiêng của hoạt động tín ngưỡng dân gian.

Từ vồ Bồ Hong, có thể ngắm thiên nhiên hùng vĩ của vùng Bảy Núi

 Theo chân người bạn là dân định cư tại núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), tôi quyết tâm chinh phục vồ Bồ Hong bằng xe gắn máy. Sau mấy ngày mưa, con đường lên đỉnh Bồ Hong còn lành lạnh hơi nước tỏa ra từ tán cây rừng. Để có thể chạy xe lên đến đỉnh Bồ Hong, đòi hỏi phải là dân địa phương quen thuộc từng tảng đá, con dốc. Hơn nữa, những chiếc xe phải có phân khối lớn hoặc trang bị bộ nhông - sên - dĩa phù hợp leo dốc.

Tiếng xe máy râm ran phá vỡ không gian tĩnh lặng. Ngồi phía sau, không ít lần tôi thót tim với cú bẻ lái “điệu nghệ” của người bạn. Là “thổ địa” trên núi Cấm, nên anh khá tự tin với tay lái của mình. “Anh cứ ngồi yên, không cần lo lắng. Đi xe lên núi như vầy mới sướng!” - anh bạn vui vẻ.

Sau khoảng 20 phút di chuyển, chúng tôi đã lên đến điểm tập kết xe gắn máy nằm cách vồ Bồ Hong vài trăm mét dốc. Đến đoạn này, du khách phải tự đi bộ lên đỉnh vồ Bồ Hong. Tiếng bước chân đều đều trên mặt đá, tiếng thở hổn hển của dân đồng bằng lâu lâu leo núi một lần, khiến anh bạn đi cùng cười khoái chí. Quả thật, dù chỉ leo dốc chừng 200m cũng khiến cho người không quen như tôi phải bở hơi tai.

Sau một hồi cố gắng, tôi cũng đã lên đến đỉnh vồ Bồ Hong. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đập vào mắt, khiến khách bộ hành quên đi mệt nhọc. Theo lời người dân địa phương, địa điểm này có tên gọi vồ Bồ Hong, bởi trước kia loài bồ hong bay dày đặc trong những tháng mưa. Theo thời gian, chúng giảm dần số lượng, nhưng cái tên vồ Bồ Hong đã trở thành huyền thoại, ghi dấu một thời “khai sơn, phá thạch” của người xưa trên đỉnh Thiên Cấm Sơn.

Càng lên cao, khí hậu càng trong lành. Trên vồ Bồ Hong có điện thờ Ngọc Hoàng, Diêu trì Thánh Mẫu, Cửu huyền trăm họ và chư vị Sơn thần. Anh Nguyễn Văn Út (chủ một nhà trọ ở khu vực vồ Bồ Hong) thật tình: “Khách lên đến đây thường nghỉ lại qua đêm để tận hưởng không khí trong lành. Ban đêm, ở trên này khá lạnh. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy lạnh hơn so với đồng bằng, chứ chưa thể so sánh với Đà Lạt như nhiều người hay nói”.

Đứng trên đỉnh của “nóc nhà miền Tây”, phóng tầm mắt ra xa mới hiểu được thế nào là “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Anh bạn đi cùng nhiệt tình hướng dẫn tôi về những góc máy đẹp để chụp ảnh từ vồ Bồ Hong xuống cảnh sắc ấn tượng dưới đồng bằng.

Những ngày nắng, đứng tại vồ Bồ Hong có thể lờ mờ nhận ra biển Hà Tiên ẩn hiện sau lớp mây mù, hay cánh đồng lúa Ba Chúc, Lê Trì đang vàng ươm màu lúa. Đặc biệt, cũng từ điểm cao này nhìn xuống hồ Thủy Liêm, quần thể kiến trúc tượng Phật Di Lặc, chùa Vạn Linh đẹp tựa tranh vẽ. Vào những ngày mây mù, quần thể kiến trúc này càng trở nên ảo diệu, với vẻ đẹp vừa trong trẻo, vừa linh thiêng, trầm mặc.

Tại những điểm thờ cúng trên vồ Bồ Hong, du khách cùng nhau thắp nén hương thành kính khấn nguyện các đấng siêu nhiên phù hộ cho bản thân, gia đình được bình an, hạnh phúc, tránh được những điều không may trong cuộc sống. Bất cứ ai khi đến với đỉnh non cao này đều cảm thấy lòng mình nhẹ hẳn, như bỏ lại những bộn bề của cuộc sống để tìm đến cảm giác an yên, tự tại.

Biết tôi là người thích chụp ảnh, anh bạn “thổ địa” núi Cấm đã dẫn đến một vị trí khá độc đáo, với những mảng màu tương phản của đồng lúa vàng tươi, của rặng núi xanh rì và những dốc đá vô cùng hùng vĩ. Đứng trước thiên nhiên, người ta mới cảm thấy mình nhỏ bé. Đến vồ Bồ Hong, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh vật đặc thù của vùng đất An Giang, với vùng “thất lĩnh” vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ.

 Đang say sưa cảnh vật, tôi chợt nghe tiếng chuông chùa từ đâu vọng lại làm cho không gian như lắng đọng vào âm thanh của chốn cửa thiền. Bất giác, những cơn gió từ đâu thổi tới làm lòng người thư thái. Khá nhiều du khách khi đến với vồ Bồ Hong ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh, còn mong muốn tìm được cảm giác hòa hợp giữa cảnh vật với lòng người, giữa cuộc sống thực và sự tĩnh tại của tâm hồn, để khi trở về họ cảm thấy nhẹ nhàng, không còn áp lực, mà tiếp tục phấn đấu cho chặng đường phía trước.

Dù chưa được đầu tư nhiều về các công trình hạ tầng phục vụ du lịch nhưng vồ Bồ Hong vẫn là điểm đến yêu thích của nhiều du khách, bởi sức hút từ không khí trong lành, cảnh sắc hoang sơ và tầm nhìn thoáng đãng ra cảnh vật bao la. Do đó, nhiều du khách tranh thủ nghỉ lại qua đêm trên đỉnh non cao này để trải nghiệm cái lạnh sắt se đặc trưng của núi Cấm. Với họ, đến núi Cấm mà chưa lên đỉnh vồ Bồ Hong thì như chưa đi núi Cấm!

THANH TIẾN