Chính sách lĩnh vực kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2024

06/09/2024 - 18:44

 - Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân; sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách Nhà nước... là những chính sách nổi bật liên quan lĩnh vực kinh tế, có hiệu lực từ tháng 9/2024.

Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân

Bộ Công Thương ban hành Thông tư 09/2024/TT-BCT, ngày 30/7/2024 quy định tính toán giá bán điện bình quân. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán điện bình quân hàng năm và trong năm được tính toán dựa trên chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện...

Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp lập tổng chi phí của các khâu, lợi nhuận định mức... Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương việc kiểm tra, rà soát và giám sát phương án giá bán điện bình quân do EVN xây dựng, điều chỉnh theo quy định tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg. Thông tư có hiệu lực chính thức từ ngày 14/9/2024.

Sửa quy định mua, bán ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN, ngày 9/8/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN, ngày 10/12/2014 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Căn cứ vào kế hoạch bán ngoại tệ hàng năm của ngân sách Nhà nước và văn bản đề nghị bán ngoại tệ của Bộ Tài chính, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước thực hiện mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước từ ngân sách Nhà nước với tỷ giá quy định.

Đồng thời, phối hợp Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính. Căn cứ vào phương án cân đối bán ngoại tệ đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước thực hiện việc bán ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước với tỷ giá quy định. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/9/2024.

Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương

Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/9/2024, sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động (NLĐ) làm việc trong công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó, bổ sung Điều 9a: Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), bảo đảm quy định tại Khoản 2, Điều 9a Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH) làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với NLĐ theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả NLĐ tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của NLĐ theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH. Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 57/2024/TT-BTC, ngày 1/8/2024 hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2024. Bên ký quỹ là tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bên nhận ký quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường.

Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật và thông tư này. Bên nhận ký quỹ phải gửi toàn bộ tiền ký quỹ vào tài khoản ký quỹ riêng mở tại ngân hàng thương mại. Tài khoản ký quỹ là tài khoản độc lập với các tài khoản khác tại ngân hàng thương mại của bên nhận ký quỹ và theo dõi chi tiết tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ của từng dự án, tổ chức, cá nhân ký quỹ…

K.N