Bổ sung mức phạt vi phạm trong lĩnh vực thú y
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, bổ sung quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người nhập cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi mang theo sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế hoặc chế biến từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh động vật nguy hiểm trên loài động vật đó.
Ngoài ra, nghị định còn đưa ra quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính khi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Theo đó, phạt tiền từ 40-45 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng; không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên; thuốc trong danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng từ 30kg (hoặc 30 lít) đến dưới 50kg (hoặc 50 lít) thuốc thành phẩm; thuốc không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có giá trị từ 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng. Nghị định số 04/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 18-2.
Áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-2. Trong đó nêu rõ: đối với việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung nội dung “Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” vào khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung, thì trong khung chính sách phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó. Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20-2, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 47/NĐ-CP.
8 loại văn bản có “trình độ tương đương” cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ
Ngày 30-12-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Theo đó, hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Văn bằng trình độ tương đương bao gồm: bằng bác sĩ y khoa; bằng bác sĩ nha khoa; bằng bác sĩ y học cổ truyền; bằng dược sĩ; bằng bác sĩ thú y; bằng kỹ sư; bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ. Nghị định số 99/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15-2.
Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng
Ngày 16-12-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng. Theo đó, quy định về những yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng như sau: dự án phải phù hợp với quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và được thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10-2.
5 hình thức cử đoàn ra nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức và viên chức ban hành kèm theo Thông tư số 17/2014/TT-BGDĐT ngày 26-5-2014. Theo đó, bằng việc bổ sung thêm 1 hình thức đã nâng tổng số hình thức cử đoàn ra nước ngoài của bộ lên 5 hình thức sau: (1) đoàn tháp tùng lãnh đạo Đảng, nhà nước và đoàn liên ngành; (2) đoàn do lãnh đạo bộ làm trưởng đoàn đi thăm chính thức các nước; tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế; đàm phán, họp liên Chính phủ trong khuôn khổ các hiệp định, nghị định thư, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và khu vực; (3) đoàn tham dự hội nghị, hội thảo khoa học; các khóa bồi dưỡng ngắn hạn dưới 180 ngày; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè; các cuộc thi quốc tế; (4) đoàn đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm; tham gia các hội chợ, triển lãm giáo dục quốc tế trong kế hoạch của các chương trình, dự án hoặc tham gia các hoạt động khác thuộc lĩnh vực giáo dục; (5) công chức, viên chức tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đàm phán quốc tế, tham dự họp liên Chính phủ; tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn; các hoạt động giao lưu văn hóa, trại hè, đại hội thể thao, cuộc thi quốc tế. Thông tư số 23/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10-2.
K.N