Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2024

18/02/2024 - 12:44

 - Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa; quy định về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay; không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng... có hiệu lực từ tháng 2/2024.

Ban hành quy định mới về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam

Chính phủ ban hành Nghị định 87/2023/NĐ-CP, ngày 8/12/2023 quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, trong đó quy định điều kiện, tiêu chuẩn sao, chụp tiền Việt Nam có hiệu lực từ ngày 2/2/2024.

Theo quy định này, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam phải đáp ứng một trong 4 điều kiện, tiêu chuẩn sau: Sao, chụp một phần hình ảnh, hoa văn của tiền Việt Nam không vượt quá 1/3 diện tích mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền; sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 75% hoặc lớn hơn 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá; sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá; sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt quá 72dpi với kích thước tương đương tiền thật cùng mệnh giá.

Không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng

Các quy định về bảo hiểm thất nghiệp vừa được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.

Trong đó, Khoản 4, Điều 1 của thông tư quy định 2 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp, gồm: Thời gian chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp khi Người lao động (NLĐ) đóng trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu, mà chỉ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng (có thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp) thì được bảo lưu. Số tháng lẻ chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong 3 trường hợp: NLĐ không đến nhận trợ cấp thất nghiệp; NLĐ bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa

Từ ngày 12/2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa (SGK) cho các cơ sở giáo dục (trước đây là UBND cấp tỉnh), theo quy định tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT.

Cụ thể, tại Điều 4, Bộ GD&ĐT quy định hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục do hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thành lập. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng lựa chọn SGK.

Việc lựa chọn SGK dựa trên các nguyên tắc: Lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục; mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục. Việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh. Tiêu chí lựa chọn SGK là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS

Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS mới ban hành tại Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024. Theo đó, điều kiện xét tốt nghiệp THCS có nhiều điểm mới, như: Học sinh THCS nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp. Trước đây, để tốt nghiệp THCS thì học sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần hoặc nhiều lần cộng lại); bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS (trước đây, kết quả tốt nghiệp của học sinh được xếp loại giỏi, khá, trung bình, căn cứ vào hạnh kiểm và học lực).

Theo Điều 3 Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần trong năm có học sinh học hết lớp 9. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới. Trong khi trước đây, các cơ sở giáo dục chỉ được xét tốt nghiệp 1 lần trong năm. Quy chế này được áp dụng từ năm học 2024 - 2025.

Quy định mới về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay từ ngày 15/2/2024

Thông tư 42/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay, có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.

Trong đó, hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay quốc tế phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật, như: Thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ căn cước công dân (nếu Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau); giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định.

Trường hợp trẻ em không có hộ chiếu riêng thì họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ.

 K.N