Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4-2020

29/03/2020 - 21:08

Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: trả lương không đúng hạn, doanh nghiệp (DN) bị phạt đến 100 triệu đồng; bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng; người đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng phụ; không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 4-2020.

Trả lương không đúng hạn, doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng

Ngày 1-3, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15-4), quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP. Đáng chú ý là quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động (NLĐ).

Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1-10 NLĐ; từ 10-20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11-50 NLĐ; từ 20-30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51-100 NLĐ; từ 30-40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101-300 NLĐ; từ 40-50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.

Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần. Như vậy, DN sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho NLĐ.

Từ ngày 20-4, không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch

Đây là yêu cầu mới được quy định tại Thông tư số 01 do Bộ Tư pháp ban hành ngày 3-3-2020, có hiệu lực từ ngày 20-4. Cụ thể, Điều 15 thông tư này quy định người thực hiện chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành. Trước đây, tại Nghị định số 23/2015 và Thông tư số 20/2015/TT-BTP không đề cập đến yêu cầu này.

Khi chứng thực chữ ký trên lý lịch cá nhân, người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

Bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng

Ngày 17-2, Chính phủ đã ra Nghị định số 21/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản…

Tại Điều 2 của nghị định này, Chính phủ đã bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nêu trên, cụ thể như: bỏ quy định xử phạt với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng (trước đây bị phạt 30-40 triệu đồng); bỏ quy định xử phạt nhà thầu nước ngoài không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử theo quy định khi tham gia các hoạt động xây dựng (trước đây bị phạt từ 30-40 triệu đồng); bỏ quy định xử phạt với tổ chức lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng hoặc quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng không đảm bảo điều kiện năng lực quy định (trước đây bị phạt 20-40 triệu đồng)... Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-4.

Mức lương của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Tại Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ban hành ngày 1-3, Chính phủ đã quy định mới về chính sách tiền lương của cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Theo đó, mức lương được trả theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, việc thỏa thuận phải được xác định trên cơ sở mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc DN 100% vốn nước ngoài.

Mặt khác, về tiêu chuẩn, điều kiện của nhà khoa học trẻ tài năng, nghị định này yêu cầu ngoài việc phải là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi; có trình độ tiến sĩ trở lên; chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học công nghệ, là tác giả chính ít nhất 5 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế… thì còn phải đáp ứng điều kiện mới là có kết quả học tập xuất sắc trong những năm học bậc đại học. Nghị định số 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-4.

Từ ngày 1-4, người đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng phụ

Thông tư số 28/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 25-12-2019 về hoạt động thẻ ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-4. Theo đó, đối tượng được sử dụng thẻ bao gồm: chủ thẻ chính là cá nhân (người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật) được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Người từ đủ 15-18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Chủ thẻ chính là tổ chức (quy định mới) là tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán được sử dụng thẻ ghi nợ. Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.

 Chủ thẻ phụ gồm người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật, được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Người từ đủ 15-18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (quy định mới). Người từ đủ 6-15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.

K.N