Người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-4-2020. Theo nghị định này, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật. Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.
Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công... Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-6-2020.
5 nguyên tắc cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại
Ngày 8-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2020/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Theo đó, từ ngày 1-6-2020, khi áp dụng cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại cần đảm bảo 5 nguyên tắc sau đây: chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền; việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại, nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương; thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành án không quá thời hạn chấp hành hình phạt theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; thời hạn bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp được xác định khi biện pháp tư pháp được thi hành xong; pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế trong cùng một thời điểm nếu việc áp dụng một biện pháp cưỡng chế không đủ để bảo đảm thi hành án; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại, tổ chức, cá nhân có liên quan trong cưỡng chế thi hành án.
Bãi bỏ nhiều văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm
Để phù hợp với pháp luật hiện hành, ngày 17-4-2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 28/2020/ TT-BTC bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 2-6-2020.
Cụ thể, thông tư này đã bãi bỏ một số văn bản trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, như: Quyết định số 99/2005/QĐ-BTC về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dễ cháy và dễ nổ trên đường thủy nội địa; Thông tư số 99/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; Thông tư số 121/2011/TT-BTC hướng dẫn một số điều về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013...
Tự ý cho thuê xe ôtô công, phạt đến 20 triệu đồng
Để hướng dẫn cụ thể việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, ngày 17-4-2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 29/2020/TT-BTC. Khoản 1, Điều 6 thông tư nêu rõ, việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp… vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP. Riêng đối với cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất - kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 63. Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ôtô công sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng mức phạt đối với tổ chức. Do vậy, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi tự ý cho thuê trụ sở làm việc. Thông tư có hiệu lực từ ngày 2-6-2020.
K.N