Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8-2021

04/08/2021 - 06:53

 - Nhiều chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Quy định mới về thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh; 3 trường hợp dừng hưởng trợ cấp hàng tháng; ban hành mẫu hộ chiếu mới có gắn chíp... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2021.

Quy định về xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành hành chính

Thông tư 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, văn thư có hiệu lực từ ngày 1-8-2021. Theo đó, công chức được bổ nhiệm vào các ngạch công chức chuyên ngành hành chính được áp dụng Bảng 2 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau: ngạch chuyên viên cao cấp (mã số 01.001) áp dụng bảng lương công chức (BLCC) loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến 8,00; ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002) áp dụng BLCC loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến 6,78; ngạch chuyên viên (mã số 01.003) áp dụng BLCC loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến 4,98; ngạch cán sự (mã số 01.004) áp dụng BLCC loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến 4,89; ngạch nhân viên (mã số 01.005) áp dụng BLCC loại B, từ hệ số lương 1,86 đến 4,06.

3 trường hợp dừng hưởng trợ cấp hàng tháng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH siết chặt hơn hoạt động nhận trợ cấp xã hội của các đối tượng bảo trợ xã hội. Thông tư quy định 3 trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội, gồm: không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 3 tháng trở lên; không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý; người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 1 tháng trở lên.

Trước đây, Thông tư liên tịch 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC chỉ quy định tạm dừng chi trả trợ cấp với trường hợp đối tượng không nhận tiền trợ cấp do chết, mất tích hoặc chuyển khỏi địa bàn. Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 8-8-2021, nhưng các chế độ, chính sách quy định tại thông tư này được áp dụng từ ngày 1-7-2021.

Quy định mới về thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh

Từ ngày 1-8-2021, các quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đối với cá nhân và hộ kinh doanh sẽ được áp dụng theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Văn bản này chủ yếu thay đổi các vấn đề liên quan đến thủ tục thuế, như: sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện khai, nộp thuế thay cho người bán theo lộ trình của cơ quan thuế. Trong thời gian chưa thực hiện việc này, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của người bán cho cơ quan thuế, trong đó có thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng; cho phép cá nhân, hộ gia đình quy mô lớn nộp thuế theo phương pháp kê khai. Khi đó, cá nhân và hộ kinh doanh phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ, nhưng không phải quyết toán thuế. Bổ sung thêm một số khoản doanh thu tính thuế, gồm các khoản như: thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán phải chịu thu nhập cá nhân 0,5% và thuế giá trị gia tăng 1%; dịch vụ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số chịu thuế thu nhập cá nhân 2% và thuế giá trị gia tăng 5%...

Ban hành mẫu hộ chiếu mới có gắn chíp

Sau căn cước công dân, hộ chiếu sẽ là loại giấy tờ tùy thân tiếp theo được gắn chíp, theo mẫu được công bố tại Thông tư 73/2021/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 14-8-2021.

Chíp được gắn ở bìa sau của hộ chiếu lưu thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Chíp có thể lưu trữ đặc điểm sinh trắc học, ảnh hay thông tin cá nhân của công dân. Ngoài điểm mới đó, tương tự như trước đây, trang bìa của hộ chiếu vẫn in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu. Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là phong cảnh, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng. Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu gồm 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Việc cấp hộ chiếu có gắn chíp đã được nêu tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020).

Điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

Có hiệu lực từ ngày 15-8-2021, Nghị định 58/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10-6-2021 của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng, trong đó, quy định cụ thể điều kiện cấp giấy chứng nhận hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng. Nghị định nêu rõ: công ty thông tin tín dụng chỉ thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận. Một trong các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là: có hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau: có tối thiểu 2 đường truyền số liệu, mỗi đường truyền của một nhà cung cấp dịch vụ; có cơ sở hạ tầng thông tin có khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống thông tin của tổ chức tham gia; có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật có khả năng thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay; có phương án bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin; có phương án dự phòng thảm họa, bảo đảm không bị gián đoạn các hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng quá 4 giờ làm việc. Bên cạnh đó, có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng; có người quản lý doanh nghiệp, thành viên ban kiểm soát đáp ứng yêu cầu…

Các biện pháp áp dụng trong tình huống khẩn cấp về thiên tai

Nghị định 66/2021/NĐ-CP ban hành ngày 6-7-2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 20-8-2021.

Nghị định quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính, gồm: huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí bảo đảm hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán; tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám, chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn; cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh; cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ Phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai; các biện pháp cần thiết khác. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.

K.N