Chính sách, pháp luật mới có hiệu lực từ tháng 3-2021

04/03/2021 - 05:23

 - Tháng 3-2021 có nhiều chính sách, pháp luật mới có hiệu lực thi hành. Cụ thể, lương của giáo viên được tăng; giáo viên không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; phạt nặng khi cho người khác “mượn” văn bằng, chứng chỉ; quy định chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2025…

Thay đổi cách xếp lương giáo viên từ mầm non đến THCS công lập

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20-3-2021. Điểm nổi bật là quy định mới về cách bổ nhiệm, xếp lương của giáo viên các cấp. Cụ thể, đối với giáo viên mầm non, trước đây được phân thành 3 hạng, gồm: hạng II có hệ số lương từ 2,34 - 4,98; hạng III hệ số lương từ 2,1 - 4,89 và hạng IV hệ số lương từ 1,86 - 4,06.

Từ ngày 20-3-2021, tại Điều 8, Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, giáo viên mầm non được bổ nhiệm theo hạng với mã số mới như sau: hạng I hệ số lương từ 4,0 - 6,38; hạng II hệ số từ 2,34 - 4,98 và hạng III hệ số từ 2,1 - 4,89. Như vậy, trong tháng 3-2021, hệ số lương của giáo viên mầm non tăng từ 1,86 - 4,98 lên từ 2,1 - 6,38.

Với giáo viên tiểu học hạng I áp dụng hệ số lương từ 4,40 - 6,78, trước đây không quy định. Giáo viên tiểu học hạng II áp dụng hệ số lương từ 4,0 - 6,38; giáo viên tiểu học hạng III áp dụng hệ số lương từ 2,34 - 4,98 và giáo viên tiểu học hạng IV áp dụng hệ số lương từ 1,86 - 4,06. Như vậy, giáo viên tiểu học sẽ được chuyển hệ số lương từ 1,86 - 4,98 sang 2,34 - 6,78.

Với giáo viên THCS hạng III áp dụng hệ số lương từ 2,34-  4,98 (trước hệ số lương từ 2,10 - 4,89); giáo viên THCS hạng II áp dụng hệ số lương từ 4,00 - 6,38 (trước hệ số lương từ 4,4 - 6,78); giáo viên THCS hạng I áp dụng hệ số lương từ 4,4 - 6,78 (trước hệ số lương 4,00 - 6,38).

Như vậy, theo quy định mới, giáo viên THCS sẽ được xếp lương theo hệ số từ 2,34 - 6,78 thay vì từ 2,1 - 6,38 như trước đây. Nhìn chung, tùy vào hạng chức danh, lương giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đều tăng mạnh so với hiện nay.

Giáo viên không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Nội dung nổi bật này được đề cập trong các Thông tư  số 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TTBGDĐT và Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 20-3-2021.

Theo các thông tư này, trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên chỉ yêu cầu: có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao. Trước đây, theo các quy định cũ, yêu cầu với giáo viên có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có trình độ ngoại ngữ bậc 1 hoặc bậc 2, 3 (tùy hạng giáo viên, cấp dạy) hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thiểu số.

Như vậy, từ khi thông tư này có hiệu lực, người thi tuyển viên chức để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ không bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tăng mức phạt với hành vi cho mượn văn bằng, chứng chỉ

Từ ngày 10-3-2021, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ vừa được sửa đổi, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có hiệu lực thi hành.

Theo đó, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình hay sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng thay vì mức phạt tối đa 8 triệu đồng như trước đây. Hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung một trong các quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục cũng được tăng mức phạt tối đa từ 10 lên 20 triệu đồng.

Quy định chuẩn nghèo đa chiều đến năm 2025

Nghị định số 07/2021/2021/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực từ ngày 15-3-2021. Theo đó, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 được thực hiện như sau: mức chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 700.000 đồng trở xuống; khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 900.000 đồng trở xuống. Nay, mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 được tăng lên. Cụ thể, khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống; khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống.

 N.R