Chợ bò Tà Ngáo hôm nay

25/06/2023 - 08:53

Khu chợ ấy, giờ không còn nữa. Hay nói đúng hơn, khu chợ không còn như nó đã từng tồn tại cả chục năm trước. Điều đó để lại hụt hẫng cho người mua, kẻ bán, lẫn khách phương xa đến tham quan. Bù lại, khu chợ “chuyển đổi” sang hình thức mới - hiện đại hơn, vệ sinh hơn, nhỏ gọn hơn...

Chợ bò Tà Ngáo (phường Tịnh Biên, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) từng được biết là khu chợ mua bán bò lớn nhất miền Tây. Địa phương giáp biên giới Campuchia này có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, nên phát triển nghề nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò đua trong lễ hội, bò kéo xe… Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn quá trình mua bán, nhập bò từ Campuchia về Việt Nam. Lẽ tất nhiên, chợ phải ngừng hoạt động, im ắng mấy năm nay.

Chợ ngừng, nhưng nhu cầu của người dân đâu ngừng. Vậy là, bò nội địa được dịp “lên ngôi”. Chợ tiếp tục hoạt động dọc theo đường Tà Ngáo, chuyên mua bán bò do người dân nuôi trong phum, sóc. Thương lái gom bò về mấy khu “trang trại” xung quanh chợ bò cũ.

Trước mỗi nơi bán bò đều có biển hiệu, số điện thoại cho người mua dễ liên hệ. Bò xuất hiện rất nhiều 2 bên đường, như một cách “trưng bày hàng hóa”. Đường Tà Ngáo rộng, thoáng, xe tải lưu thông dễ dàng, nên quá trình mua bán càng thuận tiện.

Những cơ sở mua bán lớn có thể tập trung cả trăm con bò. Con nào cũng giống con nào, rất khó phân biệt. Bởi vậy, một số chủ bò cẩn thận đánh số thứ tự lên lưng chúng.

Mỗi chú bò được xuất bán có tuổi đời từ 6 tháng đến 2 năm (bò vỗ béo). Bò được chuyển từ nơi này sang nơi khác theo một vòng quay bất tận: Chúng được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nuôi nhỏ lẻ một vài con trong phum, sóc.

Vài tháng sau, họ bán lại cho thương lái. Thương lái đem về “rộng” ở chợ bò Tà Ngáo, đợi người đến mua. Người mua có thể là hộ nông dân muốn tìm chú bò cùng gánh vác chuyện đồng áng nặng nhọc, có thể là người nuôi bò “mua đi bán lại”…

Chợ bò hiện giờ bớt nhộn nhịp hơn trước, số lượng người mua cũng chỉ lai rai, chứ không đông đúc như mọi lần. Người Kinh mua bán bò nhiều hơn đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, nhưng ai nấy nói tiếng Khmer ngọt xớt.

Ông Hai (69 tuổi, ngụ TP. Châu Đốc) sống bằng nghề nuôi bò mấy chục năm. Nuôi lâu đến mức, ông hiểu rõ đặc tính từng loại bò, cách chọn bò tốt. “Tôi cứ chạy đảo đảo vào khu chợ, thấy con bò nào vừa mắt thì hỏi giá, kiểm tra cơ thể chúng. Tôi đang kiếm con bò giá rẻ rẻ một chút, để người nhà nuôi” – ông chia sẻ.

Theo các thương lái, tùy theo loại, bò ở đây có đủ mức giá, tha hồ chọn lựa phù hợp túi tiền và nhu cầu sử dụng. Có loại chỉ vài triệu đồng/con, nhưng cũng có loại lên đến hàng chục triệu đồng.

Những người mua bán bò ở khu vực này thân thiện vô cùng. Họ chọc ghẹo ông Hai: “Ổng đi lựa kỹ lắm, có khi 2-3 ngày mới chọn được 1 con bò. Ra giá 15,5 triệu đồng, thì ổng cò kè trả giá 13,5 triệu đồng”. Trưa vắng, muốn chốt kèo giao dịch cho nhanh, người bán mời người mua ly cà phê thơm phức. Ai dè, uống cà phê xong, ông Hai vẫn chần chừ, chê giá cao…

Một điều thú vị khác là chợ bò Tà Ngáo không chỉ mua bán bò. Ngược lại, số lượng trâu được thả nuôi, mua bán ở đây còn đông đảo hơn. Nếu có dịp tìm về Tà Ngáo, hãy thử trải nghiệm lang thang khắp xóm, hòa mình vào cảnh quê “trâu bò nhiều hơn người”, lắng nghe hơi thở của khu chợ độc đáo miền biên giới.

GIA KHÁNH