Chờ đợi “tiếp sức” tiền lương

10/08/2023 - 06:44

 - Lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) rất được quan tâm, bởi liên quan mật thiết đến đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC). Chứ hiện nay, lương cơ sở chưa đáp ứng được đời sống của họ, chưa tương xứng với thời gian và chất xám bỏ ra.

Cải thiện phần nào đời sống

Lấy dấu mốc từ Nghị định 204/2004/NĐ-CP, ngày 14/12/2004 của Chính phủ (về chế độ tiền lương đối với CB,CC,VC và lực lượng vũ trang) đến nay, mức lương cơ sở đã qua 14 lần điều chỉnh, từ 290.000 đồng lên 1,8 triệu đồng. Điều này mang lại hiệu quả nhất định, tương đối phù hợp với thực tế đời sống CB,CC,VC và người lao động. Các chính sách tiền lương góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CB,CC,VC.

Cùng với đó, chế độ chuyển xếp lương khi tuyển dụng, tiếp nhận, nâng ngạch, chuyển ngạch, thăng hạng, thay đổi chức danh nghề nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Việc nâng bậc lương trước thời hạn do có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ làm CB,CC,VC quyết tâm phấn đấu hơn nữa.

Cán bộ, công chức, viên chức thu nhập chưa tương xứng với áp lực công việc

Chế độ phụ cấp lương (được triển khai từ năm 2004) đã được cải thiện, với 12 loại: Phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp khu vực; phụ cấp đặc biệt; phụ cấp thu hút; phụ cấp lưu động và phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Có thể thấy, chế độ phụ cấp cho các đối tượng được mở rộng khá nhiều, sau từng lần điều chỉnh.

“Tỉnh triển khai đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện liên quan đến tiền lương, chế độ lương. Từ năm 2020 - 2022, toàn tỉnh có 84.018 lượt người được thực hiện chế độ phụ cấp lương theo quy định; 1.584 người được xếp lương khi tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; 973 người được xếp lương khi đạt kết quả thi nâng ngạch công chức hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; 2.035 lượt người được hưởng chính sách khi công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ thông tin.

Bên cạnh đó, phạm vi, đối tượng, điều kiện áp dụng và mức hưởng chi trả thu nhập tăng thêm cho CB,CC,VC được quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, đơn vị chủ động quản lý, chi tiêu tài chính trong quá trình thực hiện.

Cần chính sách căn cơ

Cuối tháng 7/2023, nhân dịp đoàn công tác Bộ Nội vụ kiểm tra việc thực hiện chính sách tiền lương, tỉnh An Giang đã “gửi gắm” rất nhiều tâm tư của CB,CC,VC tỉnh nhà. Những vấn đề ấy không mới, cả nước đang gặp phải, nhưng lại hết sức bức thiết: Chính sách tiền lương thấp, chưa phù hợp với mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường và mức tăng thu nhập chung trong xã hội; vẫn không theo kịp tỷ lệ trượt giá của một số mặt hàng thiết yếu.

Hệ thống thang lương, bảng lương nặng về bằng cấp, chưa theo trình độ, chất lượng công việc yêu cầu hoặc chức vụ, chức danh đảm nhận. Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ phụ cấp của thành viên hội đồng trường, hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, do không có quy định cụ thể, thống nhất về đối tượng được hưởng, mức hưởng.

“Tỉnh đề xuất Trung ương xem xét, sớm áp dụng chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW, đảm bảo cho CB,CC,VC được hưởng mức lương phù hợp, đủ chi phí sinh hoạt. Xem xét, nghiên cứu điều chỉnh quy định đối với các phụ cấp cần tính toán đến đặc thù lĩnh vực, địa bàn, phân hóa theo từng khu vực và mức độ phức tạp, quy mô kinh tế - xã hội (tương tự như mức lương tối thiểu vùng), không áp dụng mức chung cho tất cả địa phương” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ  Trương Long Hồ bày tỏ.

Đoàn công tác Bộ Nội vụ làm việc tại tỉnh An Giang

Giữa năm 2023, Bộ Nội vụ cho biết đang xây dựng bảng lương mới để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, mục tiêu “bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Đó là tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp, cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp; bổ sung quỹ tiền thưởng.

Đồng thời, Bộ Nội vụ đề xuất phương án điều chỉnh các năm tiếp theo: Tiếp tục điều chỉnh mức lương thấp nhất để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP, cho đến khi đạt mức lương tối thiểu cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp, như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW. 

Trong buổi làm việc tại tỉnh An Giang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Thủy và đoàn kiểm tra giải thích một số thắc mắc liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp ở các đối tượng đặc thù, gợi mở hướng giải quyết thỏa đáng cho tỉnh và đối tượng thụ hưởng.

"Một số nội dung kiến nghị của tỉnh, đoàn kiểm tra ghi nhận, sẽ nghiên cứu, đề xuất Trung ương tháo gỡ, xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình chờ sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, tỉnh vẫn phải thực hiện nghiêm quy định hiện hành về chính sách tiền lương, chế độ chính sách cho CB,CC,VC” - đồng chí Nguyễn Văn Thủy nhấn mạnh.

Nghị quyết 27-NQ/TW dự kiến đề ra lộ trình cải cách tiền lương CB,CC,VC từ năm 2021. Tuy nhiên, dịch COVID-19 xuất hiện, việc cải cách bị lùi lại nhiều lần. Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023).

GIA KHÁNH