Chuyện về người ghi chép sử làng

11/02/2021 - 06:28

 - Mong muốn thế hệ con cháu sau này hiểu biết thêm về quê hương và biết ơn về những bậc tiền nhân có công khai hoang, mở cõi, về những người đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc… ông Nguyễn Hoàng Nhơn (xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới, An Giang) đã dày công tìm tòi, ghi chép, lưu trữ lại những sự kiện, nhân vật gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển quê hương.

Ở tuổi 73, ông Nguyễn Hoàng Nhơn đã trải qua hết những thăng trầm của cuộc đời và chứng kiến nhiều biến cố của lịch sử. Mặc dù không qua trường lớp nào, không được đào tạo về lịch sử nhưng bằng sự nhiệt huyết, niềm đam mê và trên hết là tình yêu quê hương đã thôi thúc ông Nguyễn Hoàng Nhơn nghiên cứu, ghi chép lịch sử của làng.

Nhơn Mỹ, nơi ông Nhơn sinh ra và lớn lên là xã nằm dọc bờ sông Hậu. Đây là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, quanh năm nước ngọt, bốn mùa cây trái xanh tươi. Đây còn là mảnh đất thuộc cù lao Ông Chưởng nổi tiếng “nhiều cá tôm”.

Theo ông Nhơn, tên làng Nhơn Mỹ xuất hiện từ năm 1936. Trước đó, Nhơn An và Mỹ Hòa là 2 ấp của làng Mỹ Hội Đông, tổng Định Hòa, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Đến năm 1936, 2 làng này sáp nhập lại thành một, lấy chữ “Nhơn” của Nhơn An và “Mỹ” của Mỹ Hòa ghép lại thành Nhơn Mỹ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhơn Mỹ là địa bàn diễn ra các hoạt động đấu tranh hào hùng, anh dũng.

Hơn 10 năm qua, chú Nguyễn Hoàng Nhơn vẫn âm thầm lưu giữ nhưng “ký ức” về làng Nhơn Mỹ

Đặc biệt, đình thần Nhơn Mỹ còn là nơi trú ẩn của nhiều cán bộ, đảng viên trong 2 cuộc kháng chiến. Hiện nay, đình Nhơn Mỹ còn lưu giữ chứng tích của hầm bí mật, phía dưới bàn thờ nơi chánh điện, nơi ẩn nấp của nhiều cán bộ, đảng viên yêu nước hoạt động bí mật. Những năm qua, địa phương có chủ trương lưu giữ hầm bí mật trong ngôi đình để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…

Với niềm tự hào về truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Hoàng Nhơn đã dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho việc sưu tầm, tìm kiếm cũng như ghi chép lại những sự kiện lịch sử. Để có được những thông tin trên, ông nghiên cứu lịch sử Đảng bộ, trực tiếp đến nhà từng đảng viên, cán bộ ngày trước để tìm hiểu, đồng thời cẩn thận ghi lại.

Ông Nhơn chia sẻ: “Các anh, các chú ngày trước đã không quản xương máu để đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước. Vì vậy, tôi muốn góp một phần công sức của mình trong việc lưu giữ cho con cháu ngày sau”.

Bên cạnh những ghi chép, lưu giữ tư liệu về những chiến sĩ cách mạng, các anh hùng liệt sĩ địa phương đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông còn ghi chép lại các giá trị văn hóa quê hương. Đặc biệt là những giá trị văn hóa về ngôi đình làng. Ông say sưa nghiên cứu những câu chuyện về đình làng, từ lịch sử hình thành, phát triển và các ngày lễ hội trong năm; nguồn gốc của các ngày lễ hội; ý nghĩa của các vật dụng trong đình… 

Ông Nhơn cho biết, đình là nơi để những vị có công với địa phương hoặc những bậc tiền nhân có công khai làng lập ấp. Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội… của người dân sau thời gian lao động cực khổ. Do đó, giữ gìn những “ký ức làng quê” là để thế hệ con cháu hiểu biết thêm về quê hương, đất nước, con người nơi mình được sinh ra và lớn lên.

Trong câu chuyện với ông Nhơn, chúng tôi cảm nhận được sự tâm huyết tràn đầy niềm đam mê nghiên cứu lịch sử của ông. Đối với ông Nhơn, đây là vinh dự và bổn phận của mình. Qua đó, mong muốn là cầu nối để thế hệ cháu con luôn ghi nhớ về các bậc tiền hiền đã có công lập làng, mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm...

Điều đáng mừng là thế hệ trẻ ở địa phương ngày càng thích thú và bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của làng Nhơn Mỹ cũng như công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quê hương, đất nước. ông Nguyễn Hoàng Nhơn rất vui bởi công sức ông bỏ ra đã phần nào có tác dụng đối với việc giúp thế hệ trẻ lưu giữ sử làng và nét đẹp văn hóa quê hương.

ĐÌNH ĐỨC