Phó Giám đốc Ban Quản lý KLN Chủ tịch Tôn Đức Thắng Nguyễn Thị Mỹ Diệu cho biết: KLN có 3 điểm được bố trí nhân viên thuyết minh là: đền thờ, ngôi nhà sàn thời niên thiếu và nhà trưng bày hiện vật, tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Công việc thuyết minh tuy không tốn quá nhiều công sức nhưng lại đòi hỏi phải có năng khiếu, sự tự tin, chất giọng tốt, kỹ năng truyền tải nội dung cuốn hút người nghe… Để trở thành người thuyết minh giỏi, ngoài học thuộc lời giới thiệu về Bác Tôn thì thuyết minh viên cần phải biết cách truyền tình cảm vào các câu chuyện kể một cách hợp lý, làm sống động các hình ảnh, hiện vật, kỷ vật của Bác Tôn.
Công tác tại KLN hơn 4 năm là chừng ấy kinh nghiệm làm thuyết minh, chị Lê Thị Cẩm Trinh bộc bạch: “Mặc dù đã thuộc bài rất nhuyễn và được Ban Giám đốc duyệt thuyết minh nhưng tôi vẫn thấy run và khớp khi lần đầu đứng thuyết minh trước du khách. Sau vài lần như thế và được các chị đi trước hỗ trợ, giúp đỡ, tôi dần dần tự tin hơn. Giờ đây, không những giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn, đôi khi tôi còn trở thành hướng dẫn viên chỉ dẫn du khách những địa điểm tham quan trên quê Bác”.
Chị Lê Thị Cẩm Trinh thuyết minh cho du khách về hình ảnh, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Đối với những người làm công việc như chị Cẩm Trinh, việc truyền tải, giúp du khách, người dân hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn và vùng đất, con người xứ cù lao này là những bài học về đức tính giản dị, khiêm tốn, tình nghĩa, trong sáng và luôn quan tâm đến mọi người. Những chuyện kể về Bác Tôn dù không mới và được lưu giữ trong nhiều quyển sách, song vẫn khiến người nghe xúc động.
“Tôi học được rất nhiều điều từ Bác, nhất là đức tính giản dị, chung thủy của Bác”- chị Cẩm Trinh chia sẻ. Rồi chị kể lại câu chuyện: “Chủ tịch ăn mặc rất giản dị. Có lần, một cán bộ chuẩn bị vượt Trường Sơn về Nam công tác, trước khi rời Hà Nội đồng chí đến thăm sức khỏe và chào Bác Tôn. Hôm đó, thấy Bác mặc chiếc áo cũ bị rút ngắn, Bác nối thêm một khúc. Đồng chí hỏi: “Bác ơi, làm Chủ tịch nước sao bác mặc áo cũ nối thế này ?”. Bác cười độ lượng trả lời: “Chủ tịch nước mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”. Hay câu chuyện về đôi giày có khoét lỗ. Đôi giày do người bộ đội Trung đoàn bảo vệ 66 mua tặng Bác. Tuy đôi giày có phần bị chật nhưng Bác không bỏ mà tự tay khoét lỗ ở ngón chân cái và phía trước mũi giày để đi cho đỡ đau chân, rồi dùng sơn xám quét lớp ngoài cho giày được bền.
Hay mẫu chuyện về chiếc cối xay tiêu, khi Bác Tôn nhận giải Hòa Bình Quốc tế Lênin tại Liên Xô. Vì nhớ tình cảm của vợ đối với mình, Bác đã mua 1 chiếc cối xay tiêu tặng cho bác gái. Vì thương bác gái mắt đã kém nhưng vẫn thường phải đâm tiêu hột để nấu cá kho tộ… “Chỉ bấy nhiêu thôi đã khiến tôi kính trọng và cảm phục Bác thật nhiều. Bác là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo”- chị Trinh chia sẻ.
Nghề thuyết minh cũng bình thường như bao nghề khác nhưng là niềm vinh dự và chất chứa nhiều kỷ niệm đẹp đối với những người công tác nơi đây. Chị Tôn Thị Kim Ba, cháu đời thứ 4 của bác Tôn Đức Nhung (em trai của Chủ tịch Tôn Đức Thắng), không giấu lòng: “Mỗi lần có đoàn khách đến yêu cầu được thuyết minh là trong lòng tôi rất hạnh phúc. Dù khi có đoàn khách đến vào giờ nghỉ trưa hay chập tối, chúng tôi đều sẵn sàng tiếp đón. Chúng tôi ý thức rằng, mình không những đại diện cho người dân địa phương, mà cả Nhân dân tỉnh nhà giới thiệu đến du khách mọi miền đất nước về Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu. Tôi rất tự hào là con, cháu của Bác và rất đỗi vinh dự khi được giới thiệu về quê hương, thân thế, cuộc đời hoạt động của Bác để mọi người hiểu biết một cách sâu sắc nhất về Bác Tôn - vị anh hùng kính yêu của dân tộc Việt Nam”.
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU